Tuy nhiên, trò xì hơi chỉ có thể truyền đạt những thông tin hạn
chế. Còn loài ong lại áp dụng phương pháp tốt hơn, đó là khiêu vũ.
Một con ong khi tìm được nguồn mật tươi sẽ quay về tổ và thực hiện
một “vũ điệu đong đưa” phức tạp trước những con ong khác để báo
cho chúng đường tới đó và cần phải bay bao lâu để lấy được mật.
Ngược lại, kiến chỉ làm động tác đơn giản là để lại vết mùi cho
những con khác theo đến nguồn thức ăn, chính vì thế mà chúng ta
hay bắt gặp những con kiến đi thành hàng dài như thể chúng được
phối hợp với nhau bằng phép màu.
Phương cách giao tiếp của con người chúng ta cũng có những
hình thức tương tự như xì hơi, nhảy múa và để lại vết mùi, nhưng
phương pháp gần với của chúng ta nhất trong tự nhiên chính là ở
loài cá voi lưng gù. Những con cá voi đực phát đi những bài hát có cú
pháp theo thứ bậc (gồm ngữ pháp và cấu trúc) giống như ngôn
ngữ của con người vậy. Những bài hát này có thể kéo dài tới ba mươi
phút. Các nhà khoa học từ Đại học Harvard và Viện Hải dương học
Woods Hole đã nghiên cứu nội dung của những bài hát này, nhưng ý
nghĩa của chúng vẫn chưa rõ ràng. (Nói theo lời của nhà nghiên cứu
Peter Tyack thì tuy không ngâm được vở kịch Hamlet nhưng chắc
chắn chúng có thể hát những bài tình ca.) Song, chắc chắn ngôn
ngữ này đang được loài cá voi sử dụng để truyền đi những thông tin
cụ thể tới các con cá voi khác, đôi khi cách xa chúng nửa vòng trái
đất.
Ngôn ngữ mà cá voi sử dụng chỉ cho phép chúng truyền đi thông
tin ở tốc độ chậm là 1 bit/giây, trong đó bit là đơn vị thông tin nhỏ
nhất cho phép phân biệt giữa hai khả năng. Thoạt trông, ngôn ngữ
của chúng ta cũng không nhanh hơn chúng là bao. Ngay cả Tổng
thống Kennedy, người giữ kỷ lục thế giới với khả năng nói 327
từ/phút, cũng chỉ nói với tốc độ 16 bit/giây (để bạn tiện so sánh, một
modem máy tính dù chậm vẫn có thể truyền thông tin ở tốc độ