động như thế có thể phát động một chu trình lòng tin bằng cách
động viên người khác thể hiện lòng tin của họ. Nhà lý thuyết chính
trị kiêm triết gia Philip Pettit gọi đây là “hiệu quả khích lệ của biểu
hiện tin tưởng”. Nhà triết học Daniel Hausman thì gọi đây là “cơ
chế lòng tin”. Dù gọi bằng tên gì, thì hiện nay ngày càng có nhiều
người coi đó là nhân tố chính trong các sự vụ của chúng ta, cả trong
việc vận hành các nền kinh tế lẫn trong bối cảnh rộng hơn là hợp
tác theo nhóm.
Đôi khi chúng ta trao gửi lòng tin mà không nhận ra điều đó.
Chúng ta vô thức thể hiện lòng tin ở người khác khi đánh mất thứ gì
đó ở nơi công cộng và hy vọng rằng người nào tìm thấy nó sẽ đủ
trung thực để trả nó cho mình. Tờ Reader’s Digest đã tiến hành một
thí nghiệm để tìm hiểu xem những hy vọng đó của chúng ta có cơ sở
hay không. Các nhà nghiên cứu đã đặt 960 chiếc điện thoại di động
có mức giá trung bình tại những thành phố sầm uất trên khắp
thế giới rồi gọi vào chúng, trong khi theo dõi từ khoảng cách xa
xem có ai nhặt chúng lên, nhận cuộc gọi và trả điện thoại cho chủ
nhân không. Thật kinh ngạc, có tổng cộng 654 chiếc điện thoại đã
được trả về - điều này cho thấy cơ chế lòng tin thực sự có ý nghĩa.
Người dân ở thành phố Ljubljana, Slovenia thể hiện sự đáng tin
cậy cao nhất với 29/30 chiếc điện thoại được trả về. Người dân
New York xếp sau với khoảng cách không quá xa, với 24 trường hợp
trả lại. Đáng thất vọng là thành phố Sydney quê hương tôi lại chỉ có
19 chiếc được trả về, nhưng ít ra chúng tôi vẫn đứng trên thành
phố tự xưng là có phẩm giá, Singapore với 16 chiếc và Hồng Kông
với 13 chiếc.
Lý do mọi người đưa ra khi trả lại điện thoại tiết lộ nhiều thông
tin hữu ích. Lý do phổ biến nhất là họ từng mất một đồ vật có giá
trị, nên họ không muốn người khác cũng chịu khổ như mình. Các
vấn đề thể hiện vai trò của phụ huynh cũng thể hiện theo hai cách