tới mức những quan niệm của họ về người khác khiến cho sự tin
tưởng trở thành một thái độ hợp lý. Và lòng tin tồn tại giữa những
người này cũng đạt tới mức chứng minh rằng quan niệm đó là đúng
đắn”. Đây là một chu trình logic, không giống với lập luận của
Anselm về đức tin Công giáo (“Tôi không tìm cách hiểu để tin, mà
tôi tin để hiểu”). Anselm chọn cách bước vào chu trình đó bằng cách
trao gửi lòng tin mà không cần hiểu rõ. Trong chu trình lòng tin, lý
thuyết trò chơi nói rằng tốt hơn hết là hãy bước vào chu trình đó
bằng cách trao gửi niềm tin mà không cần cảm thấy rằng người
nhận được sự tin tưởng của mình có thực sự đáng tin hay không.
Khi xem việc trao gửi lòng tin là phương tiện để thể hiện cam kết
đáng tin, là bạn đang thu hút lòng tin mà không cần sợ bị thiệt nếu
đối phương không đáng tin. Chỉ cần hành động tin tưởng là đủ để
cân bằng mọi thứ, bởi vì điều đó có nghĩa là đối phương đã nhận
được điều gì đó (quan điểm tích cực của bạn về họ) mà họ không
muốn mất (theo lý thuyết trò chơi, đây chính là phần thưởng
dành cho họ). Ngay cả nếu họ chưa từng làm gì để bảo đảm cho quan
điểm đó, thì chỉ riêng cái thực tế là bạn đã trao nó cho họ cũng sẽ
đẩy thế cân bằng về phía có lợi cho bạn và có thể giúp họ trở nên
đáng tin cậy hơn. Chẳng hạn, trong kinh doanh, việc tin tưởng giao
phó trách nhiệm cho một người có thể khiến người đó trở nên có
trách nhiệm hơn.
Lòng tin là điều đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ giữa
người tư vấn và khách hàng. Vợ tôi là một tư vấn viên sử dụng
phương pháp lấy con người làm trung tâm của Carl Rogers, trong đó
quan niệm tích cực vô điều kiện về khách hàng là điều quan trọng
bậc nhất. Trong một số dịp, tôi đã tham gia vào các buổi hội thảo
lấy con người làm trung tâm cùng vợ và cảm nhận được tác dụng của
lòng tin chân thành dựa trên phương pháp của Rogers. Mọi người chỉ
cần ngồi theo vòng tròn và tâm sự những điều thầm kín với nhau