chiếm luôn ngôi nhà đó! Trong một kỷ niệm đáng xấu hổ của tôi
khi còn là sinh viên, từ đầu học kỳ, một anh bạn sinh viên đã cho tôi
dùng nước mà anh ấy đã nhẫn nại giữ nóng để làm ấm các mẫu vật
của tôi. Và tôi đã tiếp tục dùng nước của anh ấy trong suốt học kỳ
mà không hề nghĩ tới chuyện phải tự đun nước lên. Tới học kỳ sau,
anh ấy trả đũa tôi bằng cách cứ dùng nước của tôi và không tự đun
nước nữa. Tôi cho rằng tự tôi đã khuyến khích anh ấy trả đũa
mình.
Hai “bà” hợp lại
Chúng ta có thể sử dụng những chiến lược nào để tránh gặp phải
các chu trình ăn miếng trả miếng, mà không để cho những người
coi nỗ lực hợp tác của chúng ta là yếu đuối để rồi lợi dụng chúng ta
khi chúng ta chủ động mời gọi sự hợp tác? Lý thuyết gia trò chơi
Robert Axelrod tại Đại học Michigan đã tìm ra một câu trả lời đơn
giản đến ngạc nhiên vào năm 1980, khi ông mời các chuyên gia lý
thuyết trò chơi nộp các chương trình giải quyết Thế lưỡng nan của
người tù trên máy tính. Từng cặp hai chương trình sẽ thi đấu với
nhau trong một trò chơi trong đó với mỗi bước đi, các chương trình
được lựa chọn sẽ hợp tác hoặc gian lận khi đang hợp tác; quyết định
của chúng dựa trên những nước đi của chương trình đối thủ trước đó.
Cũng giống như mọi tình huống trong Thế lưỡng nan của người tù
(dù do con người tạo ra hay tự phát sinh trong cuộc sống), lợi ích lớn
nhất luôn thuộc về những người gian dối khi người kia đề nghị
hợp tác. Sự hợp tác song phương mang lại phần thưởng thấp hơn,
nhưng nếu cả hai bên cùng gian lận thì lợi ích còn thấp hơn nữa.
Còn đề nghị hợp tác khi đối phương gian lận sẽ không mang lại lợi
ích nào (các lý thuyết gia trò chơi gọi đây là “lợi ích của kẻ chẳng ra
gì”).
Tám lý thuyết gia trò chơi nộp chương trình theo lời kêu gọi của
Axelrod đã đưa ra một số chiến lược tinh tế, nhưng khi chúng