157. Chỉ xã Kiêu Kỵ trước thuộc phủ Thuận Thành, Bắc Ninh, nay thuộc
Gia Lâm, Hà Nội.
158. Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam thời bấy giờ gồm thi Hương, thi Hội
và thi Đình. Thi Hương là cấp thấp nhất, được tổ chức ở một số vùng, thi
Hương có bốn kỳ: kỳ I: kinh nghĩa, thư nghĩa; kỳ II: chiếu, chế, biểu; kỳ III:
thơ phú; kỳ IV: văn sách. Thi qua ba kỳ thì đỗ Tú tài (trước 1828 gọi là
Sinh đồ), thường mỗi khoa lấy đỗ 72 người. Tuy có tiếng thi đỗ nhưng
thường không được bổ dụng. Thi qua cả bốn kỳ thì đỗ Cử nhân (trước 1828
gọi là Hương cống). Thường mỗi khoa lấy đỗ 32 người, được bổ dụng làm
quan nhỏ ở các địa phương, sau dần dần mới được thăng lên các chức cao
hơn.
159. Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929), người làng Trung
Lập, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà,
tỉnh Thái Bình. Ông vốn có tư chất thông minh từ nhỏ lại được cha, là nhà
nho giỏi, dạy dỗ. Ông được chính phủ Pháp cấp học bổng sang học Trường
trung học Alger, tốt nghiệp Tú tài khoa học và văn chương. Ông có lẽ là
người Việt đầu tiên đỗ Tú tài Pháp. Ở chương VII, tác giả sẽ nói rõ thêm về
nhân vật này.
160. Độc giả có thể hình dung cảnh dựng lều thi của các sĩ tử qua đoạn văn
này trong cuốn Lều chõng của Ngô Tất Tố: “... Vân Hạc mừng quá, chàng
vội đeo các đồ đạc lại chỗ gần lều Khắc Mẫn. Nhanh nhảu, Khắc Mẫn đỡ
bộ lều chõng trên vai Vân Hạc xuống đất. Cởi hết mấy nuộc dây chằng,
thày lấy sáu chiếc gọng lều cắm làm hai hàng, để cho Vân Hạc vít những
đầu gọng sâu vào các ống ròng rọc. Rồi một người trải áo lều lợp lên, một
người đem đôi áo tơi che kín hai đầu. Bốn phía góc lều đã được Khắc Mẫn
đóng bốn cái cọc nho nhỏ và neo bốn chiếc gọng lều vào đó, cho khi có gió,
lều khỏi lay chuyển. Vân Hạc liền đem cái chõng kê vào trong lều, rồi
chàng sang lều Khắc Mẫn, giở bộ đá lửa đánh lửa hút thuốc...'
161. Thống sứ Bắc Kỳ: là viên chức người Pháp đứng đầu xứ bảo hộ Bắc
Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Chức vị này được lập ra vào năm 1886 (Thống sứ
Paulin Vial) để điều hành việc cai trị Bắc Kỳ.