162. Sau khi thí sinh đỗ kỳ thi Hương năm sau mới được dự thi kỳ thi Hội.
Thi đỗ khóa thi Hội rồi mới được phép dự thi Đình. Kỳ thi Hội cũng có bốn
kỳ như thi Hương. Khoa thi này được gọi là “Hội thi Cử nhân” hoặc “Hội
thi Cống sĩ” (các Cử nhân, Cống sĩ, tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa
phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi) do đó gọi là thi Hội. Trước năm 1442 thí
sinh đỗ cả 4 kỳ được công nhận là trúng cách thi Hội, nhưng không có học
vị gì. Nếu không tiếp tục thi Đình thì vẫn chỉ có học vị Hương cống hoặc
Cử nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng cách thi Hội mới được xếp loại
đỗ và mới được công nhận là có học vị các loại Tiến sĩ. Chính thức từ năm
1442 trở đi thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh, dân
gian gọi là ông Nghè). Người đỗ đầu khoa thi Hội gọi là Hội nguyên.
163. Nguyên văn: 'celui qui en faisait fonctions': người thực hiện những
chức năng của vị Thống sứ, ý nói quyền Thống sứ hoặc một quan chức
được Thống sứ ủy nhiệm. (HĐ)
164. Đồng bạc Đông dương (tiếng Pháp: piastre): đơn vị tiền tệ người Pháp
cho phát hành và lưu thông tại Đông Dương thuộc Pháp trong thời gian từ
năm 1885 đến năm 1954. Tiền Đông Dương gồm các đơn vị: piastre-đồng,
cent (xen) hoặc centime (xăng-tim) – xu và sapèque-kẽm. Một đồng piastre
bằng 100 xăng-tim (xu), một xăng-tim bằng 2-6 đồng kẽm (đồng trinh) tùy
theo triều đại.
165. Để tách Bắc Kỳ khỏi quyền kiểm soát trực tiếp của triều đình Huế,
người Pháp ép vua Đồng Khánh ra chỉ dụ lập Nha Kinh lược sứ Bắc Kỳ vào
tháng 6/1886; tháng 2/1888 khánh thành trụ sở Nha (nay là Thư viện Quốc
gia ở phố Tràng Thi, Hà Nội). Về danh nghĩa, đứng đầu Nha này là viên
Kinh lược sứ Bắc Kỳ của triều đình nhà Nguyễn nhưng trên thực tế, quyền
lực thuộc về Thống sứ Bắc Kỳ của người Pháp. Tháng 7/1897 vua Thành
Thái bãi bỏ Nha này và quyền lực của Kinh Lược sứ Bắc Kỳ được chuyển
giao cho Thống sứ Bắc Kỳ; Hoàng Cao Khải là viên Kinh lược sứ cuối
cùng của Nha này.
166. Nguyên văn tiếng La-tinh “modus vivendi”: hòa ước tạm thời, tạm
ước.