Cũng cần phải nhấn mạnh rằng các bên bị mắc kẹt trong một
chu kỳ logic nghịch lý thực sự, vì họ không chịu hoặc không thể liên
lạc và phối hợp các chiến lược với nhau. Nhưng vẫn còn một mệnh
đề giải thoát: nếu các bên có thể liên lạc và đàm phán với nhau, họ
sẽ thoát ra được cái bẫy kinh khủng đó.
Thật không may, đây là điều nói dễ hơn làm. Thông thường, các
bên sẽ nhất trí cùng nhượng bộ khi thương lượng, nhưng rồi một
bên sẽ phá vỡ sự nhất trí đó khi điều đó có lợi cho họ. Vấn đề ở
đây là nếu giải pháp hợp tác (sự nhất trí theo thỏa thuận) không
phải là điểm cân bằng Nash thì nhìn chung một hoặc cả hai bên đều
có thể được lợi hơn nhờ lần lượt thay đổi chiến lược của họ. Về
tổng quan, đây là một vấn đề lớn và việc giải quyết bài toán hợp
tác sẽ kéo theo hai thách thức lớn khác, đó là tìm cách đạt được sự
nhất trí có phối hợp và tìm cách khiến mọi người tuân theo sự
nhất trí đó. Yếu tố thứ hai phải đủ vững vàng để mỗi bên đều tin
tưởng rằng bên kia sẽ làm theo những gì đã nhất trí, đồng thời
niềm tin đó của họ phải được chứng minh bằng kết quả.
Cuốn sách sẽ trình bày công cuộc tìm kiếm của tôi để có câu trả
lời cho hai thách thức lớn nói trên đối với sự hợp tác, và được thực
hiện ở cả cấp độ cá nhân lẫn trong bối cảnh những vấn đề lớn mà
chúng ta đang phải đối mặt. Tôi đã phát hiện ra ba phương án tiếp
cận chính đối với các thách thức trên, trong đó, mỗi phương án lại có
lợi cho các nhóm người khác nhau theo từng văn hóa khác nhau. Đó
là:
Thay đổi thái độ: Chẳng hạn, nếu chúng ta tin rằng gian dối
trong hợp tác là việc làm vô đạo đức, thì điều đó rõ ràng sẽ giúp
giải quyết rất nhiều thế lưỡng nan xã hội.
Nhà cầm quyền nhân từ: Nhờ một thế lực bên ngoài áp đặt
hợp tác và đối xử công bằng.