hẳn sẽ bị cuốn theo một giải pháp đơn giản. Biết đâu nó lại có hiệu
quả.
Chiến lược Tôi chia bạn chọn thực ra là phiên bản đơn giản hóa
của phương pháp Chia đều tổng còn đang tranh cãi, vì nó cũng tạo
ra phần chia đều trong khi ta không phải bận tâm đến phần tổng
không bị tranh cãi, nên mọi thứ đều có đủ cho mọi người. Tuy nhiên,
đây chưa phải là hồi kết của vấn đề, bởi anh em tôi phát hiện ra
rằng bố chúng tôi còn sử dụng chiến lược này để phân chia công
việc nhà. Ông sẽ liệt kê một danh sách các việc cần làm (như đổ rác,
rửa bát, quét nhà) rồi yêu cầu một trong hai đứa chia danh sách đó
làm hai phần mà chúng tôi nghĩ là công bằng. Người còn lại được
quyền chọn danh sách của mình. Và để đảm bảo không bị con cái
kêu ca, bố tôi đã hoán đổi người chia và người chọn danh sách hằng
tuần.
Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp cho đến khi cậu út ra đời và đủ lớn
để làm việc nhà cùng các anh. Lúc này mọi thứ lại lộn xộn. Có vẻ như
chúng tôi không thể chia danh sách việc nhà làm ba phần nhỏ mà
không tranh cãi. Chúng tôi không thể cân đối danh sách nếu không
chia một số việc thành nhiều phần việc nhỏ hơn, ấy thế mà cả
ba vẫn còn tranh cãi để rồi phải chia nhỏ hơn nữa và quá trình này
dường như không có hồi kết.
Tuy không hề biết, nhưng khi làm vậy nghĩa là chúng tôi đang
tái hiện một trong những nỗ lực ban đầu (và cũng là những nan đề)
của các nhà toán học trong việc giải quyết bài toán cắt bánh khi có
nhiều hơn hai bên tham gia. Một trong những vấn đề (kể cả với
chiếc bánh) là việc phân chia nó thành ba phần như ban đầu có
thể sẽ dẫn tới những phần hơi khác nhau chút ít trên thực tế. Điều
này có nghĩa rằng người đầu tiên chọn có thể chiếm lấy phần to
hơn và khiến hai người còn lại ghen tị.