chí cả việc giải trừ quân bị (nếu đa số mọi người muốn đất nước
mình giải trừ vũ khí thì họ vẫn được quân đội bảo vệ nếu một lượng
thiểu số người dân vẫn muốn vũ trang cho đất nước và sẵn sàng
cung cấp tài nguyên cho quân đội).
Chúng ta thường xuyên phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc hợp
tác với người khác hay theo đuổi lợi ích riêng bất chấp người khác,
trong những tình huống liên quan tới vấn đề chăm sóc và sử dụng
nguồn tài nguyên chung. Thậm chí, chúng ta dường như còn cảm
thấy việc ngồi không hưởng lợi thực ra cũng không gây hại cho ai.
Chẳng hạn, một người bạn của vợ chồng tôi đã thuê một thùng rác
lớn để đổ rác vào đấy và hết sức giận dữ khi một vài người hàng
xóm cũng bỏ chút rác vào đó. Những người này lý luận: “Có vấn đề
gì đâu cơ chứ? Đằng nào chị chẳng thuê cái thùng đó rồi, nên
chúng tôi có bỏ thêm xíu rác vào thì cũng đâu khiến chị mất thêm
đồng nào nữa!”.
Khó có thể – mà thực tế là không thể – bẻ lại logic của họ, vì đó
cũng là thứ logic đứng sau Thế lưỡng nan của người tù. Điều này
không có gì đáng ngạc nhiên, nếu xét rằng vấn đề Kẻ ngồi
không hưởng lợi cũng có cấu trúc logic tương tự như Bi kịch của cái
chung (Ô 3.2). Nó cũng là tình huống khó giải quyết giống như
thế, vì chiến lược của kẻ ngồi không hưởng lợi là thoải mái sử dụng
một nguồn tài nguyên vốn luôn tồn tại dù họ có dùng nó hay
không – và dường như điều này hoàn toàn hợp lý. Mà nó quả thực
hợp lý – cho đến khi mọi người khác đều làm như thế. Chẳng hạn,
nếu cả phố cùng chuyển sang đổ rác vào thùng của chị bạn tôi, thì
sẽ đến lúc chị ấy không còn chỗ để đổ rác của mình nữa, để rồi băn
khoăn tại sao ngay từ đầu mình lại cất công thuê cái thùng rác to
tướng ấy về làm gì. Thực ra, nếu lường trước được cách hành xử
này, chị sẽ chẳng thuê thùng rác làm gì!