thấy) trong các cuộc cãi vã gia đình, bất đồng với láng giềng,
những tiếp xúc xã hội thường nhật cũng như các vấn đề toàn cầu
mà chúng ta đang phải đối mặt. Đó cũng là nguyên nhân tại sao
những chiếc thìa đặt tại các khu vực chung của phòng làm việc cứ
biến mất dần một cách bí ẩn.
Các nhà khoa học từng nghiên cứu về vấn đề này – tức những
người hoàn toàn tỉnh táo và là các chuyên gia dịch tễ học đáng kính
tại Úc – đã rất hào hứng hình dung ra những cách lý giải thiếu
chắc chắn. Một trong những cách lý giải của họ là những chiếc thìa
này đã trốn sang một hành tinh khác có dạng sống chủ yếu là
những chiếc thìa, nơi chúng tồn tại một cách bình dị mà không phải
chúc đầu xuống những tách trà hay cà phê nóng. Một lý giải khác là
chủ nghĩa phản kháng – tức quan niệm cho rằng những vật vô tri vô
giác có sự ác cảm bẩm sinh đối với con người, nên chúng luôn tìm
cách gây khó dễ cho chúng ta. Như trong trường hợp này, những
chiếc thìa trốn biệt đi khi chúng ta cần đến chúng nhất, hệt như
khi chúng ta chỉ tìm thấy một trong hai chiếc tất trong máy giặt.
Tuy nhiên, cách lý giải nghiêm túc lại xem đây là một ví dụ cho Bi
kịch của cái chung – một tình huống từng gây xôn xao dư luận khi
nhà sinh thái học kiêm lý thuyết gia trò chơi Garrett Hardin giới
thiệu trong một tiểu luận vào năm 1968 – dù các triết gia đã quan
tâm tới nó từ thời Aristotle
. Hardin đã mô tả lại vấn đề này trong
câu chuyện ngụ ngôn về một nhóm người chăn thả gia súc riêng trên
bãi đất chung, và mỗi người đều nghĩ tới chuyện thêm một con vật
nữa vào đàn của mình. Con vật được thêm vào sẽ mang lại lợi nhuận
đáng kể cho người chủ, trong khi không gian chăn thả lại chỉ giảm đi
một chút; nên có vẻ như việc bổ sung thêm một con vật nữa là hoàn
toàn hợp lý. Nhưng bi kịch đã xảy đến khi tất cả người chăn đều
nghĩ vậy. Tất cả đều mang thêm gia súc, thế là bãi chăn bị càn
quét quá mức và chẳng bao lâu sau chẳng còn ngọn cỏ nào để ăn.