Rồi cái làn sóng người dần dà tràn vào trong: trên các hàng ghế, chỗ
nọ họ nhắc lại câu bông lơn của kép Tư Bền, chỗ kia họ bắt chước những
điệu bộ của kép Tư Bền, mà ai nấy đều nóng ruột sốt lòng, mong mãi
không đến giờ mở màn sân khấu, để được cười, được vỗ tay, được học
thêm vài lối pha trò mới để mai làm cho nhếch mép người yêu.
Vinh dự thay, anh kép Tư Bền! Nhưng mà khốn nạn thân anh, người ta
có biết đâu rằng hiện bây giờ ở nhà, cha anh đương giở chứng khò khè, chỉ
chờ từng phút để thở một cái nữa là hết nợ, mà ở trong buồng trò, anh cũng
đương nẫu ruột rầu gan!
Thật vậy, ai ngó vào trong buồng trò mới thấy được cái khổ tâm của
anh Tư Bền! Anh ngồi ủ rũ ở trước cái gương, bụng thì rối beng, mặt thì
nhăn nhó, mà tay vẫn phải sờ vào hộp phấn hồng để đánh mặt, quệt vào đĩa
mực để bôi nhọ cái mồm. Rồi anh lại phải mặc trái cái áo lụng thụng thêu,
đi đôi hia xanh, và đội cái mũ cánh chuồn ngược. Anh đóng vai này trông
ra phết giàu sang sung sướng! Anh sung sướng nhỉ! Anh giầu sang nhỉ!
Anh vui vẻ lên một tí chứ! Anh Tư Bền ơi! Chốc nữa anh còn phải làm cho
chủ anh bẳng lòng, các bạn anh trông anh mà gắng sức, các khán quan
được một phen cười vỡ bụng, vỗ rát tay kia mà!
Nhưng mà cha anh Tư Bền sắp chết! Ban nãy, lúc anh ở nhà ra đi, đã
thấy nguy lắm rồi! Thôi, nhưng mà mặc kệ, anh phải quên đi mà bông, mà
đùa, mà pha trò trên sân khấu cho chúng tôi cười, ôm bụng mà cười, hét lên
mà cười, cười đến nỗi phải lăn cả ra đất!
Một hồi chuông vừa dứt. Màn kéo lên. Một tràng vỗ tay đôm đốp như
pháo nổ đã hoan nghênh ông chúa khôi hài. Anh Tư Bền lững thững bước
ra, cúi đầu chào, rồi đứng thần người ra như phỗng đến một lúc. Tiếng reo,
tiếng hò, tiếng vỗ tay lại làm dữ hơn trước. Mà khán quan thấy cách ăn mặc
ngộ nghĩnh, cái mồm anh bôi nhọ nhem, thì ai mà nhịn cười được! Càng
thấy anh đứng yên, họ càng được lúc ngắm, họ càng cho anh là muốn pha
trò như thế, nên càng cười già!