từ chối, bởi vì con người ta, chắc các ngài cũng hiểu thế, đủ lợi rồi thì phải
thèm danh. Ấy, ông Hàn, ông Nghị cũng chui ở lỗ ấy mà ra cả.
Ông chủ nhiệm tử tế lắm. Tuy tôi ít tuổi hơn ông, nhưng không câu
nào ông không dùng chữ tiên sinh mà gọi tôi. Khoa ngôn ngữ của ông thực
là giỏi, giỏi đến nỗi lúc ông về, tôi đâm mê ông và nhớ ông.
Ông khen tôi thơ văn được công chúng rất hoan nghênh, đến nỗi nhiều
độc giả phải viết thư về tòa báo hết lời ca tụng. Ừ, mà ông ấy nói có lý lắm.
Chính tôi cũng tự biết là thơ văn của tôi bài nào cũng tuyệt tác; một đôi khi,
tôi thấy nhiều câu còn đặc sắc bằng mấy thơ các cụ Yên Đổ, Tú Xương.
- Tiên sinh phải ra làm báo mới được, ông chủ nhiệm nói thế, nếu cứ ở
nhà quê mãi, thì cái đại tài đến mai một đi mất!
Tôi cảm động, thở dài, ông ta lại nói tiếp :
- Tiên sinh phải để cái sự nghiệp về sau! Ở đời không nên tự túc. Ngay
như tôi, nếu tôi tự túc, thì cứ việc ăn no ngủ kỹ như tiên sinh, còn ra làm
báo làm gì cho nhọc xác. Khốn nỗi quốc dân mình ngu lắm; nếu bọn mình
là hạng thượng lưu trí thức, mà không xuất đầu lộ diện để đưa đường chỉ
nẻo cho họ, thì không đành lòng. Tiên sinh nghĩ sao?
- Ngài nói chí phải!
- Tôi mà được tiên sinh cộng tác, thì tôi thật là toại nguyện!
Tôi sung sướng hỏi :
- Ngài muốn dùng tôi?
- Không, tiên sinh cộng tác cùng tôi; nghĩa là anh em ta cùng đem hết
tài lực vào để khuếch trương tờ báo cho ngày được hoàn toàn. Tôi vẫn bàn
với anh em trên Hà Nội, mà chính ra họ cũng đồng ý với tôi cả, là giá mời