Ngày xưa, ông đi lính. Ông đi lính thổi kèn. Ông cũng được đi
giầy săng đá, đeo thắt lưng da, đội mũ chào mào như những ai.
Ngày ấy, mỗi tháng ông gửi từng đồng bạc, từng nắm tiền về cho
vợ. Vợ ông đã tiêu hết tất cả tiền bạc của ông rồi. Cho đến khi
mãn khóa trở về, hai bàn tay ông vẫn trắng bạch, không có một
đồng xu nhỏ dính túi.
Bây giờ lão cũ kỹ. Lão là đồ bỏ ra ngoài đồng rồi. Vợ lão khinh
lão ra mặt. Nó cậy thế rằng bây giờ nó phải làm để nuôi lão. Lão
cần cóc gì. Lão có cần một tí gì đâu. Chẳng qua là nó không ra gì,
nó thiếu âm đức, nên nó cụt cuối cụt ngọn, con cái không có. Lão
cũng vô phúc mà lấy phải nó.
Lão Múi đã nghĩ đến chuyện lấy nhau như xưa kia người con
trai mười tám. Lão nghĩ như là ở những ngày mà đôi vợ chồng còn
son rỗi.
Thế là, nhất định lão không thèm ăn cơm của vợ nữa. Bắt đầu
từ ngày mai trở đi, lão thèm vào!
*
* *
Từ ngày hôm sau, lão Múi không ăn cơm thực.
Bà lão già thấy chồng giở chứng như vậy, cũng không nói năng
gì. Bà lão không sợ, bà lão cũng không bực mình. Sự chịu đựng lâu
năm đã đến với bao nhiêu nỗi quen thuộc. Vả vốn tính bà lão
không thích nói, không thích nghĩ xa nghĩ gần. Bà lão chỉ nghĩ độc
có mỗi một câu khôn ngoan và thiết thực: “Ông lão dỗi cơm hầy?
Mặc! Không đưa cái khóa hòm gạo cho ông lão nữa”.