Bức vẽ truyền thần
Ở
đây người ta ít cho trẻ con mang sách đến trường. Không
cần mấy. Bởi vì đất này là đất công nghệ. Từ những đứa trẻ lên
năm cũng đã tập tành giúp đỡ được công việc trong nhà. Làm là ra
tiền, còn đi học không ra tiền, người ta để trẻ con ở nhà, cũng có
cái lý cứng của người ta. Nhưng đó mới chỉ là một lý vật chất, mà
người ta đã phê bình hộ cho cái làng này. Các cụ trong làng thì nghĩ
khác. Có phải tại người ta hà tiện sợ tốn kém mà chẳng muốn cho
con đi học đâu. Không, không. Người ta sợ là sợ cái khác kia. Sợ cái
việc phong thủy. Sợ cái sự của trời đất sinh ra thế.
Bởi vì làng này không có đất làm việc, không có đất đi học.
Ngoài đồng có thế đất hình cái mũ đồng cân, thì mũ vua mũ
quan lại chầu quay hướng về làng Phú Gia. Thành thử, thiên hạ
làng khác người ta tranh đi học, tranh biết chữ mất cả. Cái lẽ tạo
hóa đã bày ra như vậy, không thể cưỡng. Người ta được dốt nát mà
người ta bằng lòng.
Như nhà ông nhang Chỉnh. Nhà ông thuộc vào hạng khá trong
hàng thôn. Ông có hai con trai. Chúng nó chỉ biết làm khỏe. Lệch
vai đi vì làm. Ngoẹo cổ đi vì làm. Trông thấy cái bút chì thì chúng nó
tấm tắc khen rằng: “Gớm nhỉ! Cái đầu mẩu nhọn kia mà viết
được ra chữ thì tài thực”.
Tuy không lấy các con làm ra việc là sung sướng, nhưng ông
nhang Chỉnh cũng không lấy thế làm buồn bao giờ. Chúng nó đã
làm ra của cho ông. Ông mà được trở nên mát mặt như ngày nay
cũng nhờ có hai thằng con hay làm ấy.