À đấy là tiếng con gà ri tập gáy. Thảo nào. Nghe như tiếng
người ta ọe. Nó đứng trên đầu một cái cọc giậu nứa, chốc chốc
lại thuỗn dài cổ, phồng tướng cái diều đựng cơm lên rồi đưa ra
một hơi “Quéc... ke... ke...” Cứ một lát lại thế. Gáy rất khó nhọc,
nhưng xem ra anh gà khoan khoái lắm, mỗi khi xong được một
tiếng như vậy. Vì thấy lúc tiếng “ke” cuối cùng vừa thoát ra khỏi
mỏ, gà ta nhìn ngang nhìn ngửa, hiêng hiếc hai con mắt tráo trâng
ra vẻ lắm! Và lại bộ tịch nữa!
Rồi ngày dần qua, con gà trống trút được cái dáng điệu buồn
thỉu, buồn thiu buổi nọ đi. Có lẽ nó quên đàn, quên mẹ, quên con gà
em chết hôm mới đây, quên rồi. Vì nó đã lớn. Khi người ta lớn,
những ý tưởng liên lạc về gia đình cứ lỏng lẻo dần. Con gà đang
thời kỳ sắm sửa, thời kỳ ăn chơi, của chàng thanh niên.
Màu sắc bộ mã nó sẫm lại, đen thì đen biếc, trắng thành
trắng bạch và đỏ trở nên đỏ khé. Mào nó mọc dài, thắm hoe như
dải lá cờ nheo. Đuôi nó uốn vồng lên như chiếc lông dài huyền
bóng. Mỏ nó thẫm ngà vàng và rắn chắc, có thể mổ đôm đốp
được vào thân một cây nứa tép.
Bây giờ những buổi sớm, cậu gà trống ri thường trở dậy gáy te
te từ lúc chưa tỏ mặt người. Mỗi ngày cái câu “kéc... ke... ke...” lại
nối dài thêm tiếng “ke” vào. Bác xã Khóm làm nghề bán cháo rong
bên hàng xóm đã phải theo tiếng gà báo thức để trở dậy làm hàng.
Bác thường khen con gà báo đúng giấc lắm.
Nó đứng đắn và hóa ra có bộ mặt khinh khỉnh ta đây. Nó bắt
đầu coi thường mấy chú ngan nhép cứ quẩn bên chân, những con
ngan nhỏ nhắn ngày xưa đã làm nó vương nhớ đến mẹ nó. Nó thị
uy bằng cách đá cho chúng mấy cái. Bọn trẻ con này sợ, phải lảng