đất thuê, đi làm thợ nề và ra Hà Nội kéo xe. Có những kẻ liều lĩnh
đã ký giấy “mộ phu” sang “Tân thế giới”.
Cái Tết hững hờ đến với mọi sự lạnh nhạt. Giá gạo cao tới ba
đồng rưỡi một chục đấu nhỏ. Xưa nay chưa như thế bao giờ!
Túng quẫn quá, người ta không cần và không thể nghĩ đến lo Tết
lắm nữa. Hàng lá dong vào làng rao ơi ới, rồi lại ê hề quẩy ra.
Làng mạc buồn teo.
Chiều hôm Ba mươi, cả làng vắng tanh. Ấy là một buổi chiều
bồn chồn và khó chịu. Người ta ở cái hoàng hôn u uất đó để đợi
một năm mới vẫn hằng mong ước sắp đến. Một năm mới với
đầy bí mật và hy vọng còn khuất bên kia một lần lặn mặt trời và
một đêm đen thẫm, nặng trịch. “Nhờ phép tổ”, mà nghề nghiệp có
được khá khẩm chăng?
Gia đình tôi cũng không còn phong lưu như xưa. Ngày mồng
Một, không pháo đốt. Tôi mặc tấm áo vải chéo go cũ, đi đôi guốc
sơn bóng nhoáng, đầu vuốt nước lã lên để rẽ cho được mượt. Tôi
thơ thẩn trong cổng ngõ hai tay thủ túi, buồn ngẩn ngơ. Cả làng chỉ
có vài nhà đốt pháo. Nghe lẹt đẹt như tiếng gõ mẹt vậy.
Nhưng sang ngày mồng Hai, nhà tôi được tiếp một người đến
lễ Tết. Khách có đem theo một bánh pháo: bác quyền Vực, người
bên làng Phú Gia, một học trò “tam tự kinh” ngày xưa của ông ngoại
tôi. Bác Vực đi lính, Tết nghỉ phép về chơi quê.
Bác ăn vận rất ngộ. Đầu bác đội chiếc mũ Tây lợp vải vàng và
quần áo cũng màu vàng, xù ra. Bắp chân quấn xà cạp chặt chẽ lên
tận đầu gối. Bác dận một đôi giầy có cổ, da mốc thếch như da
cóc. Đi nện gót trên sân gạch, nghe kêu kệt kệt, đến ghê.