đấy, thoáng có bóng một chị cái nào lởn vởn, nó lại ve vẩy đuôi, thè
cái lưỡi dài và đỏ, chạy theo. Chỉ một ít lâu, người nó tọp hẳn lại.
Thân thể nó dài thượt và nghêu nghẹo. Cái bộ mã vàng lợt có chỗ
mất cả một mảng lông, để lộ lần da xam xám.
Một buổi kia, cả nhà đã cơm nước xong, đến bữa cho chó.
Thằng cu Lặc lấy bát chắt nước vo gạo, đổ đầy cơm vào lon rồi
gọi ồn lên mà chẳng thấy bóng con nào về ăn. Đi tìm: cậu Đực,
trong bụi tre sau vườn, còn cô Cái cũng mải đú đởn bên gốc cây
rơm.
Thằng Lặc vác cái gậy to thô lố ra phết cho cậu Đực của nhà
những roi đòn kịch liệt. Thế là tan. Còn cái đuôi của con Cái, biết
đấy, nhưng Lặc không “khủng bố” tới, Lặc nghĩ: “Cho nó đi lấy
giống”. Hừm! Thằng Lặc đã ác độc quá lắm. Cái phương pháp nó
đem khu trị giống chó quả là không cân và ức hiếp, trái hẳn với sự
xét nhận loài người, nó dung túng cho phái khuyển yếu mà đi trừng
trị bọn đàn ông. Chẳng ai người ta thừa cơm mà nuôi một con chó
điếm đàng. Ông ngoại tôi bảo:
- Con Đực tốt nết lắm. Tao muốn để nuôi nó. Nhưng phải cũi
nó lại, không được cho nó đi lang thang như thế mà nó rạc đi.
Con Đực bị nhốt cũi. Nhưng làm sao đổi được tính nết nó!
Chẳng nhẽ nhốt được mãi, mà cứ thả ra là lập tức nó chạy biến.
Và bị kìm hãm như thế mỗi lần sổ lồng nó lại la cà hơn bao giờ
hết.
Thấy vậy ông tôi bèn bảo thằng Lặc:
- Mày sửa sẵn lấy cái xích ống. Tao phải thiến nó mới được.
Đến tuổi rồi. Chưa kịp thiến, cứ nhông nhổng lên thôi.