nên rầu rĩ, chán nản. Nhưng hẳn cái kho trí khôn mờ tối của con
chó không có, không biết đến những sự phiền phức ấy. Nó chỉ
biết có một điều cáu kỉnh. Nó cáu kỉnh đợp thằng Lặc một
miếng. Người ta đã trả lời cuộc báo thù của nó bằng một trận đòn
dữ dội quá thì nó chừa hận thù rồi. Nó chỉ còn bực mình suông
thôi. Nó bực mình với phía khác, với em nó, với đồng bào nhà nó.
Bởi vì thế là nó hết cả rồi ! Đời còn chi?
Trước tiên là cáu với con em. Mấy hôm ốm vì bị thiến, phải
nằm lử một xó. Đực nhận ra rằng: cái con em đốn mạt đã chẳng
thương xót gì anh thì chớ mà nó lại còn kéo đàn, kéo lũ ở ngoài
đường ngõ với bọn bạn hữu giăng hoa. Cho nên đến khi khỏi, suốt
buổi Đực chỉ chuyên có việc căn vặn em. Gặp chỗ nào cũng gừ. Luôn
luôn nó hếch mép lên, nheo mắt lại và chìa cả hai hàm răng trắng
tểnh như ngà có đôi nanh nhọn hoắt mà gầm ghè, làm bộ như
sắp giết em đến nơi. Chị ả sợ hãi, cúp đuôi lẩn ra chỗ khác. Nó
bực em nó cả ngày. Cái trò bị đánh mãi thì coi thường đòn, con Cái
không biết sợ nữa. Nó cũng gâu trả lại, mỗi khi thằng anh bất
lương đả nó.
Sau con Đực chắc cũng biết hục hặc như thế là vô lý. Nó thôi.
Bởi nếu mà cáu thì cứ cáu cả đời. Ở cái tuổi trẻ măng măng của con
bé, nó đè nén làm sao được sóng tình dào dạt. Đực lại bỏ đi gây sự
đánh nhau rắc rối với láng giềng. Nó sinh ra rất ghét tất cả
những cuộc tụ bạ ở các ngã ba, ngã tư đường. Nó tưởng như lũ chó
chưa thiến chỉ đứng đấy để chế giễu nó. Cho nên, nếu người ta
còn trông thấy nó ra đó, là nó ra để choảng nhau. Nó cắn tuốt,
không trừ một con nào. Thảng hoặc đôi khi, ngó thấy một con chó
mơn mởn quá, động tình nó cũng hít hít... nhảy nhảy. Nhưng cái
thời xuân xưa đã đi đâu mất rồi!