Vỡ tỉnh
Mới vỡ nhẽ ra rằng bấy lâu lão Nhã chỉ toàn nói dối!
Chiều hôm trước, tự dưng lão lù lù từ Nghĩa Đô sang bên Bạc. Lục
hỏi, lão bảo: “Giêng Hai thong thả, đi chơi”, lão nói thế, chứ Lục đã
biết trên nhà lý Kiền sắp có cái giỗ đầu năm. Năm nào lão Nhã
cũng khéo nhớ, và cũng mò lên. Vả lại, trông ông lão càng rõ không
phải là con người đương rỗi, đi chơi. Nước da bủng màu nghệ thối:
cái đói đã vẽ lên tận mặt!
Tuy vậy, Lục không hay dài dòng lôi thôi. Thấy ông lão đến vào
giữa thời buổi xác xơ, đôi khi Lục cũng có ý bực thân và tức lão.
Nhưng, tức để bụng, vì một đời mới một lần người ta đến nhà! Hôm
lão đến, Lục không nhóm bếp. Hôm sau Lục mới bê cái hũ gạo trên
giàn bếp xuống. Tinh ý, lão Nhã đã nói đón:
- Chú mặc tôi, mặc tôi. Cứ tự nhiên, đừng lo cho tôi. Tôi cũng có
cái ăn rồi. Tôi chỉ ở đỗ vài hôm rồi tôi lên với chú Tư nó...
Ông khoe: “Chú Tư mở cửa hàng thợ cạo trên tỉnh Sơn, trừ chi
tiêu, mỗi ngày còn phát tài được chục bạc”. Lục xuýt xoa:
- Ở tỉnh lúc này may ra mới có gạo, nhà quê ta thì đành tiệt rồi.
Mẹ cháu cũng phải lên kiếm miếng trên tỉnh từ năm sớm. Nhưng
thế nào ông cũng phải đợi cái “rúi”
[1]
trên chú lý Kiền rồi ông
hẵng đi chứ?
- Thôi, chả. Năm nào chứ năm nay thì rúi với ráy gì. Giời đất này
chẳng ông bà nào trách đâu mà sợ. Chú bảo hộ vợ chồng anh lý