Trẻ con trong làng đổ theo cái long đình, sau mấy bô lão, bám như
cái đuôi. Ba hôm việc làng, rước xách, trong các xóm, khung cửi nào
cũng nghỉ dệt. Người ta nghỉ ngơi, ăn uống và tối lũ lượt ra cửa đình
xem hát chèo.
Nhưng đám tháng Hai năm nay hơi khác mọi năm. Rước xách vẫn
nhạt nhẽo vậy. Đêm đến, cũng phường hát chèo. Năm nào, phường
Bắc cũng nhớ ngày tới xin đám. Song đám năm nay khác, đám lớn
hơn thường khi. Chèo hát ồn ã liền những tám đêm. Ban ngày,
ngoài cuộc thường niên kia, lại có nhiều cuộc vui khác. Đánh cờ bỏi,
chọi gà bên bãi Cơm Thi. Diễn võ trên rạp chèo. Leo cầu noi, lại có
trò vui bắt chước hội Tây: bắt vịt dưới ao làng. Đám hội năm nay,
ngoài sự lấy lệ, còn có tính cách một hội khánh thành cầu mới.
Chiếc cầu quét vôi trắng xóa một nhịp ngang con sông nhỏ đã cạn
dòng gần hết nước. Bởi thế, người ta gọi là hội cầu. Hội cầu làng
Nghĩa Đô.
Suốt buổi có đánh cờ bỏi. Với đàn trẻ, trò này nhạt quá. Đâu chỉ
có mươi ông râu đai đứng ngẩn ngơ bên những rào nứa cắm lỗ. Đánh
gà chọi còn thú hơn. Hai con gà, da ức đỏ gay, nhảy lên đá nhau bịch
bịch. Nhưng khoái nhất là xem đấu võ.
Ai cũng thích võ. Người lớn ham xem. Ông già lại càng ham nữa.
Thời xưa, kẻ nào xoàng hạng bét cũng có thể vỗ đùi một cái, nhảy qua
được một bờ rào xương rồng. Cái ngày dụng võ của thuở những ông
cụ tám mươi ấy, còn in dấu vết nhiều trong đầu mọi người.
“Ngày xưa, làng ta có cụ tám Lừ hét một tiếng vượt rút nóc nhà...
Trước, bác cả Chửng làng ta, chân tay không mà đánh ngã được mười
tên cướp... Cái độ loạn Cờ Đen bà Khảng lừa mẹo chặt cụt tay một
thằng giặc Khách...” Câu chuyện ngày xưa, cái hồi giặc Cờ Đen sang
ta... được kể trong những đêm mọi nhà tụ họp dưới ánh đèn. Chao ôi,