làng mình đang sinh sống để đi nơi khác bất kể làng của họ bé nhỏ hay
rộng lớn.
Những nề nếp sinh hoạt trong làng như việc phân chia ruộng công, thực
hiện các công trình nông nghiệp, tổ chức hành chánh, giải quyết các vụ
tranh tụng nhỏ trong những mối liên hệ ràng buộc của những hộ khẩu trong
làng, việc phòng giữ cảnh vệ làng xóm chống trộm cướp, tất cả những định
chế đó đều được tổ chức một cách biệt lập không có sự can dự của những
kẻ ngoại lai không có hộ khẩu trong làng. Dân làng chọn lựa những người
có uy tín và nhũng người "sống lâu lên lão làng" để lập thành những ngôi
thứ cho những người đứng đầu nắm quyền cai quản xóm làng. Nhân vật
nắm giữ việc điều hành guồng máy hành chánh tự trị trong làng là lý trưởng
do hội đồng đó chỉ định và tất cả những người nầy lập thành một tập thể
hành chánh quản trị của làng. Nhà vua và các quan triều chỉ công nhận tập
thể này như là những người đại diện tuyệt đối cho toàn thể cá nhân sống
trong làng. Có thể nói rằng uy quyền của nhà vua và triều đình không thể
lọt qua khỏi cổng làng bởi vì chính cái xã hội thu nhỏ nầy được hưởng một
chính sách tự trị khá rộng rãi để tự mình tổ chức các cách thức giữ gìn an
ninh và xây dựng làng mạc của mình với điều kiện là phải nộp thuế cho
ngân khố của triều đình: triều đình ấn định mức thuế cho từng làng và mức
thuế nầy sẽ do hội đồng quản trị của làng phân định cho mỗi người dân
trong làng đóng nộp.
Mặc dù hoàng đế làm chủ đất nước nhưng trên thực tế ruộng vườn trong
làng mặc nhiên xem như là được hoàng đế cấp phát cho người dân trong
làng làm chủ vĩnh viễn, chính người dân trong làng mới chính là sở hữu
chủ đích thực được hoàng đế và triều đình công nhận nếu chịu nộp thuế và
thi hành những nghĩa vụ do triều đình yêu cầu. Luật Gia Long ghi: <<Các
gia đình của mỗi châu, huyện chia nhau ruộng đất, lập sổ thuế và tất cả
cùng nhau cai quản việc công sở tại>> (Nguyễn Văn Huyền, La
Civilisation Annamite, [Văn Minh Việt Nam]; bản dịch; trang 564; Hà Nội;
1996). Có thể nói rằng làng là biểu hiện của một hình thức dân chủ sơ khởi
của tổ chức hành chánh công quyền trong suốt tiến trình lịch sử xây dựng
nước Việt Nam. Tính cách tự trị của ngôi làng đã làm nẩy nở một tình trạng