NQS
Khảo Luận Về Ông Phan Thanh Giản
Chương 26
Đã như vậy thì liệu rằng những khó khăn đó có thể vượt qua hay không?
Phải chăng chúng ta không thể dự trù được những khó khăn về mặt văn
minh và chủng tộc mà chúng ta phải đối diện vào lúc nầy? Có phải chỉ vì
một vài lúng túng về tổ chức hành chánh mà chúng ta phải chịu thua, từ bỏ
nhiệm vụ, bỏ rơi dân tình An Nam dưới gọng ách thoái hóa của nhóm quan
viên triều đình hay sao? Mặc dù ở dưới sự chiếm đóng của chúng ta, trong
tình trạng suy thoái ấu trĩ nầy, phải chăng chúng ta vẫn cứ phải chấp nhận
để cho các hạng quan viên đó bất tận tạo ra thái độ tiêu cực đối với mọi sự
tiến bộ cũng như làm trở ngại các sự phát triển vật chất? Và bởi vì chúng ta
không muốn đi xuống để hội nhập với họ thì lẽ nào chúng ta lại tuyệt vọng
trong việc kéo họ lên ngang bằng với chúng ta? Người ta không thể trả lời
ngập ngừng được.
Có chính sách thuộc địa nào vấp phải những trở ngại lớn lao hơn hay
không? Người ta thấy rằng, ở đây không có chủ nghĩa yêu nước hay chủ
nghĩa tôn giáo cuồng tín để lôi kéo khối quần chúng nổi dậy chống lại
những kẻ xâm lược một cách mù quáng. Quả thật có một bản năng lo sợ
thúc đẩy lấn lướt mọi sự suy luận nhưng rồi thì những thực tế vật chất hợp
lý hợp tình sẽ được thực hiện trong thời hạn thật ngắn.
Mặc dù có một vài biện pháp đáng tiếc, những đồn đãi giận dữ đã và đang
góp phần vào sự nuôi dưỡng lòng ngờ vực của dân chúng đối với chúng ta,
người ta không thể phủ nhận rằng người An Nam bắt đầu không còn muốn
trở lại một số những thành kiến của họ. Sự liêm khiết và ý thức của chúng
ta hay đúng ra là lòng yêu chuộng công lý cùng với sự mềm dẻo của chúng
ta, mặc dù đối chọi gay gắt với tình trạng bán buôn và tính cách bạo tàn
trong chính sách cai trị của họ trước đây, nhưng cũng đã tạo được ấn tượng
đối với họ. Cảm tình của họ đối với chúng ta chưa phải là sự cảm phục kính
trọng , tuy nhiên họ có ngạc nhiên mà sự ngạc nhiên thì tới trước sự cảm
phục kính trọng.