chúng tôi trở thành những người Pháp thì các ông còn phải chiếm thêm các
tỉnh Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang, nếu các ông đóng cửa đương thông
thương giữa tỉnh Bà Rịa với thủ đô Huế, khai phóng việc tiếp xúc với
người ngoại quốc cũng như giải trừ những khích động phản loạn, không
còn phải sợ những sự đe dọa huyền hoặc hiện giờ đang ám ảnh những
người chịu khuất phục, nếu các ông thực hiện được những điều đó thì
chúng tôi sẽ về phía các ông mà không còn có một hậu ý nào.
Trên đây là một sự phân tích nhanh chóng về những trở ngại mà chúng ta
đang gặp phải ở vùng Nam Kỳ hạ và những phương cách để vượt thoát
những trở ngại đó. Theo tôi, sự phân tích nầy chứng tỏ rằng nếu chúng ta
muốn thì đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thể đưa khối dân chúng đã
thực lòng liên kết với chúng ta vào dưới cùng một màu cờ và cùng chung
một nền văn minh của Pháp quốc. Chúng ta không nên suy xét một cách
thiếu kiên nhẫn, một kiểu suy xét đốt giai đoạn, chưa gieo mà đã muốn gặt
hái. Hãy so sánh cuộc chinh phục Nam Kỳ hạ của chúng ta với bất kỳ một
cuộc chinh phục nào cùng một bản chất do những quốc gia thực dân nổi
tiếng đã thực hiện thì chúng ta sẽ thấy được rằng ở đâu cũng vậy. Trong ba
năm đầu tiên, người ta sẽ bị hoang mang rắc rối, đối đầu với những cuộc
nổi dậy, hoàn toàn xáo trộn vô trật tự và đổ nát nhất thời.
*
II
Sau khi trình bày để cho thấy rằng trên bình diện dân số cuộc chinh phục
dứt khoác và thuộc địa hóa vùng Nam Kỳ hạ chỉ gặp phải những trở ngại
không lớn lắm và trong một thời gian ngắn sẽ đưa tới một tình trạng vật
chất thỏa đáng và lâu bền, điều cần yếu bây giờ là việc nghiên cứu những
hậu quả có thể phát sinh ra từ đó đối với ảnh hưởng và nền thương mại của
chúng ta ở Á Đông. Nói một cách khác, để chứng minh tư cách chính đáng
việc chiếm đóng của chúng ta thì cần phải đạt được sự cân bằng giữa những
sự hy sinh với những kết quả mà sự chiếm đóng đó hứa hẹn.