dẫn; trang 290,291).
A.Schreiner cũng cho rằng chính vì sự kết tội ông Phan Thanh Giản lần nầy
của triều đình Huế theo lệnh của Tự Đức đã khiến cho các con trai của ông
Giản nổi loạn chống lại người Pháp; bởi vì lương tâm sẽ không để cho
những người con nầy được yên ổn và vì tự ái và sĩ diện họ sẽ hy sinh tất cả
để tái tạo lại hình ảnh của người cha (trong cái nhìn của người dân An
Nam), và làm thế nào mà họ có thể nổi loạn được như vậy nếu không phải
là để đền bù lại điều tổn hại mà triều đình đã mạo xưng gán tội cho ông
Giản. (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 292, 293).
VII /- NGƯỜI PHÁP VÀ ÔNG PHAN THANH GIẢN
♠ Người Pháp bắt đầu biết tên tuổi ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy
Hiệp khi hai ông vào Sài Gòn để khai diễn cuộc thương thuyết với họ vào
26 tháng 5 năm 1862. Ngày 5 tháng 6 dl năm 1862, ông Giản và ông Hiệp
đã ký kết hòa ước Nhâm Tuất (1862). Ngày hôm sau, Bonard đã cho phổ
biến thông cáo cho các đầu lĩnh quân nghĩa dũng kháng chiến biết rằng hòa
ước đã được ký kết, yêu cầu họ phải tuân thủ và ngưng chiến đấu. Triều
đình Huế cũng đã cắt cử Phan Thanh Giản đến tỉnh Vĩnh Long và Lâm Duy
Hiệp đến tỉnh Bình Thuận để cố gắng hiểu dụ quân kháng chiến ngưng các
hoạt động quấy rối. Tuy nhiên người Pháp cho rằng hai ông đã được triều
đình Huế giao phó nhiệm vụ giả bộ kêu gọi quân kháng chiến ngưng tiếng
súng nhưng phải làm ngơ và ngầm khuyến khích họ tiếp tục đánh phá, và
mặc dù ông Phan Thanh Giản là một con người thức thời, thấy xa hiểu
rộng, có một tâm hồn cao đẹp đã nhận thức được rằng tiếp tục chiến đấu
chống lại người Pháp cũng vô ích mà thôi. Phải chăng ông Giản đã có thực
tâm tái lập hòa bình nhưng khốn thay đất nước của ông lại không muốn như
thế? Ông đã cực lực can ngăn viên thống soái không nên quá hấp tấp và
cam kết là ông sẽ khuyến dụ được các nhóm kháng chiến tuân thủ các điều
ký kết trong bản hòa ước Nhâm Tuất. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 246,
247). Và đó là tình hình rối ren ở Nam Kỳ Hạ ngay sau khi hòa ước Nhâm
Tuất vừa được ký kết nhưng chưa được chính phủ hai bên phê chuẩn.
*
Sau khi tạo dựng các hạ tầng cơ sở cần yếu cho việc áp dụng chính sách