tái lập trật tự. Với sự im lặng vừa được áp đặt lên quần chúng, nhà cầm
quyền dùng điều này, như một bằng chứng để tuyên bố là có được sự ủng
hộ của quần chúng (những người không dám lên tiếng vì sợ sệt,) và dùng
những rối ren do chính họ gây ra để làm cái cớ trừng trị những người dám
lên tiếng phản đối. Đó cũng là những gì mà nhóm Thập Nghị viên
(Decemvirs) đã làm: Được bầu lên trong thời hạn một năm, và tự lưu nhiệm
thêm một năm nữa. Họ đã muốn cầm quyền vô hạn định bằng cách cấm các
ủy ban nhóm họp. Bằng phương pháp đơn giản này mọi chính quyền trên
thế giới, một khi đã nắm quyền hành, sớm hay muộn sẽ tiếm Quyền Tối
thượng [của Hội đồng Tối cao].
Những buổi nghị hội [của toàn dân] theo định kỳ mà tôi đã nêu trước đây
có mục đích ngăn chặn tệ hại này, nhất là khi dân chúng không cần phải
được triệu tập theo thủ tục. Như vậy, kẻ cầm quyền không thể ngăn chặn
các buổi nghị hội ấy mà không khỏi tự công khai nhận mình là kẻ vi luật và
là kẻ thù của quốc gia.
Trong phần khai mạc của các buổi nghị hội đó – mà mục tiêu duy nhất là
duy trì khế ước xã hội – có hai đề nghị mà không ai có thể bác bỏ được và
phải được bỏ phiếu hai lần riêng biệt.
Đề nghị thứ nhất: “Hội đồng Tối cao có vui lòng giữ lại hình thức hiện có
của chính quyền không?”
Đề nghị thứ hai: “Dân chúng có vui lòng giao quyền cai trị cho những
người hiện đang nắm giữ nó không?”
Ở đây, tôi cho rằng tôi đã chứng minh được điều là trong một quốc gia
không có điều luật căn bản nào mà lại không thể thu hồi được, ngay cả khế
ước xã hội. Nếu tất cả công dân tụ họp lại và đồng lòng xé bỏ khế ước đó,
thì không còn nghi ngờ gì nữa, khế ước đó bị hủy bỏ một cách hợp pháp.
Grotius còn cho rằng mỗi công dân còn có thể từ bỏ quốc gia của mình và
lấy lại sự tự do thiên nhiên và của cải của mình khi đi khỏi đất nước. Thật