Hình thức các dân hội tộc đoàn này kéo dài dưới triều các vị vua cho đến
đời Servius, và vì thời đại của Tarquin không được xem là chính thống nên
luật pháp của nhà vua thường được gọi là luật của dân hội.
Dưới thời Cộng Hoà, dân hội vẫn còn bị thu hẹp vào bốn bộ tộc thành thị
và chỉ gồm có dân số của thành phố La Mã, hình thức này không thích hợp
cả với Nguyên lão Thượng viện – dẫn đầu bởi các nhà quý tộc – lẫn với các
bảo dân quan; những bảo dân quan này tuy là thường dân nhưng đứng đầu
giới giàu sang. Các dân hội này, vì vậy, phải mang tai tiếng, và bị giảm giá
trị đến nỗi ba chục quan cảnh lại phải thường xuyên họp và đảm nhận công
việc của các dân hội tộc đoàn.
Sự phân chia thành dân hội bách đoàn thuận lợi cho giới quý tộc đến nỗi
lúc đầu ta không thể hiểu tại sao Nguyên lão Thượng viện lại không thắng
thế trong các dân hội mang danh của mình, trong đó diễn ra các cuộc bầu
cử chấp chính quan, kiểm tra viên và các quan chức cao cấp khác trong bộ
tộc. Thật vậy, trong số một trăm chín mươi ba dân hội bách đoàn họp thành
sáu giai cấp của toàn thể dân chúng La Mã, giai cấp thứ nhất gồm chín
mươi tám đoàn; và vì số phiếu được đếm theo bách đoàn, giai cấp thứ nhất
luôn chiếm đa số phiếu hơn các giai cấp khác. Khi tất cả chín mươi tám
bách đoàn đồng ý với nhau thì không cần tiếp tục bầu cử nữa; quyết định
của thiểu số được nhận làm quyết định của đa số, và ta có thể nói rằng
trong các dân hội bách đoàn các quyết định được giải quyết tùy theo túi tiền
hơn là theo số phiếu bầu.
Nhưng quyền hành cực đoan này thay đổi theo hai cách. Trước hết, các bảo
dân quan thường gồm một số đông đảo thường dân thuộc giai cấp giàu có
nên có thể làm cân bằng ảnh hưởng của giới quý tộc trong giai cấp thứ
nhất.
Cách thứ hai là, thay vì để cho các dân hội bách đoàn bầu theo thứ tự, nghĩa
là luôn bắt đầu bằng đoàn thứ nhất, dân La Mã luôn chọn một bách đoàn
bằng cách rút thăm và chỉ có bách đoàn đó bỏ phiếu mà thôi; sau đó tất cả