lại hay di chuyển liên tục và những sự thay đổi tài sản không ngừng có thể
nào giữ cho một hệ thống như vậy kéo dài hai chục năm mà không làm cho
quốc gia bị đảo ngược được không? Chúng ta phải công nhận rằng sức
mạnh của nền luân lý và cơ quan kiểm tra dân số có khả năng đã sửa chữa
được những sai lầm của chính quyền La Mã, và một người giàu sẽ tự thấy
mình bị hạ giá xuống hàng nghèo khó vì phô trương sự giàu sang của mình
một cách quá đáng.
Qua tất cả các sự việc này, ta dễ dàng hiểu rằng chỉ có năm giai cấp được
đề cập đến, tuy rằng trong thực tế có tất cả sáu giai cấp. Giai cấp thấp nhất
này, vì không cung cấp quân lính cho quân đội và cũng không đi bỏ phiếu ở
Trại Martius và gần như không có chức vụ trong quốc gia, nên ít khi được
để ý đến.
Đấy là các thể thức phân chia dân La Mã. Bây giờ ta hãy xem tác động của
sự phân chia đó trong các buổi họp. Khi được triệu tập theo đúng luật pháp,
các buổi họp đó được gọi là các Dân hội (Comitia): Chúng thường xảy ra
tại các công trường ở La Mã hay trong Trại Martius. Những buổi họp này
được phân chia ra làm Dân hội Tộc đoàn (Comitia Curiata), Dân hội Bách
đoàn (Comitia Centuriata) và Dân hội Bộ tộc (Comitia Tributa) tùy theo thể
thức theo đó chúng được triệu tập. Các dân hội tộc đoàn được thành lập
dưới thời Romulus; các dân hội bách đoàn dưới thời Servius và các dân hội
bộ tộc bởi các bảo dân quan. Mọi luật lệ phải được thông qua và mọi chức
vụ phải được bầu lên bởi các dân hội. Không một công dân nào lại không
ghi tên trong một dân hội tộc đoàn, một dân hội bách đoàn hay một dân hội
bộ tộc, và như vậy, tất cả mọi công dân đều có quyền đầu phiếu, và lúc bấy
giờ dân La Mã thật sự là Hội đồng Tối cao theo luật pháp và trong thực tế.
Có ba điều cần thiết để các dân hội được triệu tập một cách hợp pháp và để
các quyết định họ đưa ra có hiệu lực của một điều luật. Thứ nhất, cơ cấu
hoặc quan chức triệu tập buổi họp phải có thẩm quyền; thứ hai, buổi họp