Để dân chúng không thấy kết quả của sự phân chia này, Servius tạo cho nó
một lý do quân sự bằng cách đặt hai bách nhóm thợ chế tạo vũ khí vào giai
cấp thứ hai, và hai bách nhóm thợ chế tạo quân cụ vào giai cấp thứ tư;
ngoài ra, trong mỗi giai cấp, trừ giai cấp thấp nhất, Servius phân biệt người
già và người trẻ với mục đích phân loại ai có thể bị gọi nhập ngũ và ai có
thể được miễn dịch một cách hợp pháp vì tuổi tác. Chính sự phân biệt này,
chứ không phải lý do giàu nghèo, đã đưa đến sự cần thiết liên tục việc kiểm
tra dân số. Sau cùng, Servius ra lệnh rằng buổi nghị hội sẽ được tổ chức tại
Trại Martius, và mọi công dân trong tuổi quân dịch khi đi họp phải mang
theo vũ khí.
Lý do tại sao Servius không phân chia trẻ và già trong giai cấp thấp nhất là
vì đám tiện dân nghèo khổ trong giai cấp đó không được quyền đi quân
dịch: [Lý do đơn giản vì] chỉ những người dân nào có một mái nhà mới
được quyền bảo vệ nó mà thôi; và trong tất cả các đám ăn mày mà ngày
hôm nay đang là vật trang trí cho quân đội của các vị vua thời nay, có thể
nói là không có kẻ nào mà không bị khinh bỉ và bị đuổi ra khỏi một đội
quân La Mã, trong thời kỳ mà quân đội là [tổ chức của] những người bảo
vệ tự do.
Tuy nhiên trong giai cấp chót này, người ta có thể phân biệt dân vô sản
(proletarians) và những người dân được kiểm tra (capite censi). Loại thứ
nhất, không thể nói là không ra gì cả, vì ít nhất họ cũng là những công dân
mà khi có nhu cầu cấp bách, cũng có thể đi lính. Loại sau, không có gì cả
và chỉ có thể kiểm tra bằng cách đếm đầu người; bọn người này bị xem như
con số không và Marius là người đầu tiên dám hạ mình để tuyển mộ họ.
Ở đây, tôi không bàn xem sự phân chia thứ ba tự nó là tốt hay xấu; tôi chỉ
có thể nói rằng sự phân chia ấy chỉ thực hiện được nhờ các đặc tính của dân
tộc Cổ La Mã như: Giản dị, sự vô tư, ưa chuộng công việc đồng áng và
khinh miệt nền thương mãi cùng lòng yêu lợi lộc. Một dân tộc thời nay với
sự tham lam cùng cực, với sự bất ổn trong tâm hồn, với các mưu đồ xảo trá,