đấu cho tổ quốc tinh thần mà giáo hội đã biến thành thế tục, bằng cách này
hay cách khác. Nếu ta hiểu cho đến ngọn nguồn, sự kiện này bắt nguồn từ
dị giáo: Vì sách Phúc Âm không tạo ra một tôn giáo riêng rẽ cho một quốc
gia, nên đối với Cơ Đốc nhân không thể có cái gọi là thánh chiến.
Dưới thời các vị vua theo dị giáo, các binh sĩ Cơ Đốc giáo rất can đảm; tác
giả Cơ Đốc giáo nào cũng xác nhận điều này và tôi tin đó là sự thật; đó là
một cách để kích thích binh sĩ chống lại quân dị giáo. Khi các vị vua đó
theo Cơ Đốc giáo thì sự ganh đua này không còn cần thiết nữa, và khi thập
tự giá thay chỗ cho con đại bàng thì sự dũng cảm của binh sĩ La Mã cũng
hoàn toàn biến mất.
Nhưng ngoài những nhận xét về chính trị, chúng ta hãy xét lại xem “quyền”
là gì để từ đó đặt ra những nguyên tắc cho điều quan trọng này. Cái quyền
mà khế ước xã hội trao cho Hội đồng Tối cao đối với thần dân không thể
vượt qua giới hạn của công ích. Như vậy, thần dân chỉ phải chịu trách
nhiệm với Hội đồng Tối cao về ý kiến của họ, khi ý kiến đó liên hệ đến
Cộng đồng. Điều quan trọng đối với Cộng đồng là mỗi công dân phải theo
một tôn giáo để buộc họ phải yêu mến các nghĩa vụ của mình; nhưng các
giáo điều của tôn giáo đó chỉ được quốc gia và dân chúng quan tâm đến khi
nó liên hệ đến luân lý và các bổn phận mà kẻ theo tôn giáo đó cam kết thực
hiện đầy đủ đối với người khác. Ngoài ra, mỗi người có thể có những ý
kiến riêng mà Hội đồng Tối cao không cần biết đến bởi Hội đồng Tối cao
không có quyền hành gì đối với thế giới bên kia; số phận của các thần dân
trong đời sau ra sao cũng không phải là mối lo của Hội đồng Tối cao, miễn
hồ họ là những công dân tốt trong cõi đời hiện tại.
Cho nên cần phải có một sự tuyên xưng vào các niềm tin dân sự do Hội
đồng Tối cao quy định các điều lệ, không hẳn như các giáo điều tôn giáo
nhưng là một thứ lương tâm xã hội mà một công dân tốt hay một thần dân
trung thành phải có.Tuy không bắt buộc ai cũng phải tin vào tôn giáo dân
sự đó, nhưng ai không tin có thể bị trục xuất ra khỏi quốc gia, không phải