cốt yếu là được lên Thiên Đàng, và sự nhẫn nhục lại là một phương tiện
khác để đạt đến mục đích ấy.
Nếu chiến tranh xảy ra với một quốc gia khác, các công dân sẵn sàng ra
trận; không một ai nghĩ đến chạy trốn; họ làm bổn phận của mình nhưng
không say mê chiến thắng; họ biết cách chết hơn là biết cách để chiến
thắng. Đối với họ sự thắng hay bại có nghĩa gì đâu? Chúa há chẳng biết rõ
hơn họ những gì mà họ cần đến hay sao? Chúng ta hãy thử nghĩ xem một
kẻ thù kiêu hãnh, dũng mãnh và hăng say sẽ lợi dụng sự nhẫn nhục của họ
như thế nào? Ta hãy cho họ đối diện với những dân tộc hào phóng, đầy
lòng khao khát chiến thắng và lòng ái quốc; ta hãy tưởng tượng các chính
quyền Cộng Hòa theo Cơ Đốc giáo đối đầu với Sparta hay La Mã; các dân
ngoan đạo Cơ Đốc giáo sẽ bại trận, bị đè bẹp và bị tiêu diệt trước khi họ có
thì giờ hồi tỉnh, hay là họ sẽ được sống sót chỉ vì kẻ thù khinh rẻ họ. Tôi
cho rằng lời thề của các binh sĩ của Fabius là một lời thề đầy ý nghĩa: Họ
không thề chiến thắng hay chết, mà thề sẽ trở về trong chiến thắng và họ đã
giữ lời. Cơ Đốc nhân sẽ không bao giờ thề như vậy, vì như vậy họ cho là
thách thức Thiên Chúa.
Nhưng tôi đã lầm khi nói đến một nền Cộng Hòa Cơ Đốc giáo; cả hai từ
này hoàn toàn tách biệt và không thể kết hợp thành một. Cơ Đốc giáo chỉ
giảng dạy về sự quy phục và lệ thuộc. Tinh thần của tôn giáo này thuận lợi
cho sự chuyên chế đến mức luôn bị thể chế này lợi dụng. Những Cơ Đốc
nhân chân chính sinh ra để làm nô lệ; họ biết vậy nhưng chẳng hề lưu ý đến
việc đó: Đời sống ngắn ngủi này không đáng kể dưới mắt họ.
Người ta sẽ nói với tôi rằng binh sĩ theo Cơ Đốc giáo rất giỏi. Tôi phủ nhận
điều này. Hãy cho tôi một ví dụ. Về phần tôi, tôi không biết một binh sĩ Cơ
Đốc giáo nào cả. Người ta sẽ nói với tôi về các cuộc viễn chinh của Thập
Tự Quân. Tôi không tranh luận về giá trị của Thập Tự Quân. Tôi chỉ trả lời
rằng chính ra họ không phải là những binh sĩ theo Cơ Đốc giáo mà là
những binh sĩ của các giáo sĩ, là những công dân của giáo hội. Họ chiến