Trong những thời kỳ gián đoạn quyền lực mà người cai trị nhìn nhận, hay
phải nhìn nhận có một cấp cao hơn, giai đoạn này bao giờ cũng khiến cho
họ lo âu; các buổi nghị hội của dân chúng – vừa là tấm khiên bảo vệ cơ cấu
chính trị vừa là cái thắng để kiềm chế chính quyền – luôn làm cho các nhà
cầm quyền sợ hãi; cho nên họ không bao giờ hà tiện công sức, tạo ra chống
đối, gây nên khó khăn và ngay cả hứa hẹn để ngăn cản dân chúng hội họp.
Khi các công dân trở nên tham lam, hèn nhát, khiếp nhược và chỉ thích
những điều dễ dàng hơn là tự do, họ sẽ không thể chống đỡ lâu dài trước
những nỗ lực ngày càng tăng của chính quyền. Cuối cùng, khi sức mạnh
chống đối không ngừng gia tăng, thì quyền tối cao sau rốt biến mất, và
phần lớn các quốc gia bị tan rã, hủy hoại trước thời điểm của chúng.
Nhưng giữa Quyền Tối thượng và một chính quyền độc tài thường có sự
xen vào của một quyền lực trung gian mà ta phải đề cập đến ở đây.
Chương 15: Nghị viên hay Đại diện
Ngay khi nghĩa vụ công không còn là việc chính của các công dân, và khi
họ thích phục vụ bằng tiền hơn là bằng bản thân mình, thì quốc gia đã tiến
gần đến chỗ điêu tàn. Khi cần phải ra trận, họ trả tiền để thuê lính và họ ở
nhà. Khi cần đi họp hội đồng, họ chỉ định những vị nghị viên và họ ở nhà.
Vì lười biếng và có tiền, cuối cùng họ có lính để áp chế tổ quốc và có các vị
đại diện để bán đất nước.
Chính sự chạy đua làm tiền của thương mãi và nghệ thuật, sự tham lam
kiếm lời, tính nhu nhược và sự yêu chuộng các tiện nghi đã biến sự phục vụ
của cá nhân thành tiền. Người ta từ bỏ một phần lợi nhuận của mình hầu có
thì giờ để làm gia tăng các lợi nhuận một cách thỏa thích. Đem tiền ra làm
quà tặng thì chóng hay chầy bạn sẽ bị xiềng xích. Thuật ngữ tài chánh là
một từ dính liền với nô lệ; từ đó không có trong Thị Quốc. Trong một quốc
gia thật sự tự do, công dân làm tất cả mọi việc bằng tay của mình chứ
không phải bằng tiền. Thay vì trả tiền để được miễn làm bổn phận của
mình, họ lại trả tiền để được làm các bổn phận ấy. Tôi không theo ý kiến