Chương 13: Hội đồng Tối cao tự duy trì bằng cách nào? (tiếp theo)
Dân chúng tụ họp lại để ấn định việc tổ chức quốc gia bằng cách trao sự
phê chuẩn của mình cho một cơ cấu pháp lý cũng chưa đủ; dân chúng thiết
lập một chính quyền vĩnh viễn, hay tổ chức bầu cử, chỉ một lần một, để bầu
ra các quan chức cũng chưa đủ. Ngoài các buổi tụ họp đặc biệt do phát sinh
các trường hợp không thể đoán trước, còn phải có những buổi tụ họp
thường xuyên, định kỳ mà không ai có thể hủy bỏ hay làm gián đoạn được,
để đến ngày ấn định dân chúng có thể tự đến tụ họp đúng theo luật pháp
quy định mà không cần phải được chính thức triệu tập nữa.
Nhưng ngoài những buổi hội họp hợp pháp theo ngày được ấn định từ
trước, bất kỳ cuộc tụ họp nào không do các quan chức có thẩm quyền triệu
tập và không theo đúng các thủ tục ấn định thì phải được xem là bất hợp
pháp, và mọi hành động của chúng là vô giá trị và không có hiệu lực, bởi
lệnh triệu tập dân chúng hội họp phải xuất pháp từ luật pháp.
Tần suất diễn ra các buổi hội họp theo luật định tùy vào quá nhiều yếu tố
mà không luật lệ nào ước đoán trước được. Có thể nói một cách tổng quát
rằng chính phủ càng mạnh thì Hội đồng Tối cao càng phải ra mặt thường
xuyên hơn.
Giải pháp này, có người sẽ bảo với tôi rằng, có thể áp dụng cho một thành
phố nhỏ; nhưng phải làm sao khi quốc gia gồm nhiều thành phố? Quyền
Tối thượng có bị chia sẻ không? Hay quyền ấy bị tập trung nơi một thành
phố lớn mà số thành phố còn lại phải thần phục? Tôi cho rằng cả hai trường
hợp đều không được. Trước hết, quyền tối cao là một đơn vị nhất thể,
không thể chia ra mà không bị hủy hoại. Thứ hai, một thành phố, cũng như
một quốc gia, không thể thần phục thành phố khác một cách hợp pháp bởi
vì bản chất của một tổ chức chính trị là ở sự hòa hợp của việc tuân lệnh và
sự tự do, và các danh từ “thần dân” và “Hội đồng Tối cao’’ là những từ
tương liên. Ý nghĩa của hai từ này nằm trong một từ duy nhất “công dân”.