DẪN NHẬP: TẠI SAO BONG BÓNG LẠI QUAN
TRỌNG?
Các bong bóng trên thị trường không phải là điều gì đó mới mẻ. Đa số chúng ta
đều đã từng nghe tới chứng nghiện hoa tulip của người Hà Lan (những năm 1630),
bong bóng công ty South Sea (London, 1720) và cuộc đại khủng hoảng Phố Wall
(năm 1929). Một số trường hợp khác ít được biết đến hơn có thể kể ra là bong bóng
trong ngành khai thác mỏ mới nổi (London và Nam Mỹ, những năm 1820) và ngành
đường sắt (Anh, những năm 1840), cũng như nhiều trường hợp khác nữa trong thế
kỷ XVIII và XIX
. Tất cả chúng là những bong bóng: sự tăng giá cực độ của các
tài sản, tiếp sau đó là một sự sụp đổ!
Tuy nhiên, trong những thập niên giữa thế kỷ XX, có một khoảng thời gian tĩnh
lặng lạ kỳ. Bong bóng hầu như không xuất hiện, khoảng cách thời gian giữa những
lần bong bóng là khá xa, và người ta chủ yếu quan tâm đến lạm phát, tức việc tăng
giá của các hàng hoá và dịch vụ thông thường, chứ không phải là giá tài sản. Từ giữa
thập niên 1980, khi các ngân hàng trung ương dường như đã khống chế được lạm
phát, thì bong bóng lại quay lại mạnh mẽ. Trong khoảng một phần tư cuối của thế kỷ
XX, chúng ta có bong bóng Nhật Bản (thập niên 1980), bong bóng nhà đất ở Anh và
Bắc Âu (cuối thập niên 1980), bong bóng tại những quốc gia được mệnh danh là
“những con hổ châu Á” (giữa thập niên 1990), bong bóng công nghệ (cuối thập niên
1990) và gần đây nhất là bong bóng nhà đất toàn cầu (2001-2007). Những bong
bóng này trở thành tâm điểm, thúc đẩy cả những đợt đi lên và đi xuống của chu kỳ
kinh tế. Và khi chúng vỡ tung thì không chỉ một số nhà đầu cơ giàu có thua lỗ mà
thôi. Ngược lại, sự sụp đổ đó kéo theo suy thoái, với thất nghiệp tăng và thu nhập
giảm, các nhà đầu tư bình thường và các quỹ hưu trí của họ bị thiệt hại nặng nề.
Trong những trường hợp tệ nhất, như sự sụp đổ của bong bóng nhà đất hiện tại, cả hệ
thống tài chính cũng trở nên bất ổn và thua lỗ. Khi các ngân hàng gặp vấn đề, họ liền
thu hẹp việc cho vay và làm cho mọi chuyện đã tệ càng tệ hơn, cuối cùng thì thường
là các Chính phủ buộc phải nhảy vào để cứu cả hệ thống, đổ gánh nặng chi phí cuối
cùng lên đầu những người đóng thuế.
Trong mọi trường hợp, câu chuyện đều bắt đầu với việc giá cả gia tăng trong một
thị trường nhất định (thường là với những lý do hợp lý), điều này tiếp tục đến một
mức độ bất thường của việc định giá, sau đó bong bóng vỡ khi giá cả bổ nhào. Giá
tăng khuyến khích đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh