ngân hàng và doanh nghiệp Nhật mới thoát khỏi các khoản nợ xấu nảy sinh từ những
năm bong bóng này.
Trong những năm 1997-1998, các nền kinh tế được mệnh danh là “những con hổ
châu Á” cũng phải gánh chịu một đợt khủng hoảng tương tự sau khi bong bóng giá
tài sản nổ tung. Tuy ngòi nổ trực tiếp của khủng hoảng là sự sụp đổ về tiền tệ, chính
việc tăng mạnh và sau đó là sụt giảm của giá nhà đất và chứng khoán mới là nguyên
nhân gây ra khủng hoảng, đồng thời khiến hệ lụy của nó trở nên cực kỳ đau đớn. Chỉ
vài năm trước đó, khi bong bóng gia tăng, những quốc gia này vẫn còn được xem là
“sự thần kỳ châu Á”.
Không lâu sau là sự xuất hiện của bong bóng trên thị trường chứng khoán phương
Tây, nhất là các chứng khoán của các công ty công nghệ. Nửa cuối thập niên 1990,
các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ, dẫn đầu là Chủ tịch Cục dự trữ liên bang
Alan Greenspan, chỉ ngồi yên và theo dõi khi thị trường chứng khoán nước này tiến
vào một thời kỳ bong bóng tương tự như những năm 1920. Họ lập luận rằng đó chưa
hẳn là một bong bóng, và nếu đó là bong bóng thì việc điều chỉnh để giảm giá nói
chung cũng sẽ nguy hiểm; tốt hơn hết là chờ đợi và sẵn sàng đối phó với những sự
sụt giảm sau này. Tuy nhiên chỉ số S&P 500 tính đến tháng 3/2000 đã tăng gấp 3 lần
trong vòng 5 năm, còn chỉ số NASDAQ về công nghệ thì tăng hơn 6 lần. Sự sụt
giảm sau đó diễn ra cũng ngoạn mục không kém. Chỉ số S&P 500 giảm gần một nửa
vào năm 2002, tức là quay trở lại mức của năm 1997. Mãi đến năm 2007 thì chỉ số
này mới trở lại mức của năm 2000, và không lâu sau đó lại rơi xuống tiếp. Chỉ số
NASDAQ giảm 78% trong giai đoạn 2000-2003, tức là quay trở về với mức của năm
1996. Đương nhiên, sự sụp đổ của bong bóng chứng khoán gây ra một đợt suy thoái
ở hầu hết các nước. Nó cũng ảnh hưởng đến kế hoạch nghỉ hưu của rất nhiều người
đầu tư vào chứng khoán, làm sụp đổ hệ thống lương hưu ở Mỹ và Anh, cái vốn là cột
trụ chính trong kế hoạch về hưu của giới trung lưu Mỹ.
Liệu chính sách để mặc cho bong bóng leo thang của Cục Dự trữ Liên bang (đứng
đầu là Alan Greenspan) có phải phương pháp tối ưu hay không là một vấn đề gây rất
nhiều tranh cãi, sẽ được bàn đến một cách cặn kẽ trong những trang kế tiếp của cuốn
sách. Cũng gây tranh cãi không kém là chính sách của ông ta (đến nay vẫn được
người kế nhiệm Bernanke áp dụng) về cắt giảm lãi suất mạnh và nhanh khi bong
bóng vỡ. Vào những năm 2001-2003 Greenspan, do đã học được những bài học của
thập niên 1930 và cả bài học Nhật Bản thập niên 1990, đã quyết tâm ngăn chặn đà đi
xuống của thị trường chứng khoán nhằm tránh cho kinh tế suy thoái theo. Ông ta đã
thành công, khi những đợt giảm lãi suất nhanh chóng, cùng với hai gói kích thích tài