các ngân hàng đó sẽ phải trả nhiều hơn cho số tiền vay sỉ của họ, biện pháp này đưa
ra một quy tắc hiệu quả. Nhưng khi toàn bộ hệ thống tài chính rơi vào tình trạng
bong bóng, những người cho vay bán buôn cũng thường bị mắc kẹt và quy tắc này
không được xem xét đến nữa. Chỉ khi bong bóng nổ tung, mọi người mới đột nhiên
trở nên cẩn trọng một cách lạ thường. Điều này đã xảy ra tại Nhật Bản trong và sau
thời kỳ bong bóng, các ngân hàng Nhật Bản buộc phải thanh toán nhiều hơn đối với
các khoản vay nước ngoài khi bong bóng sụp đổ vào những năm 1990, cho tới khi
chính phủ chắc chắn đảm bảo tất cả các khoản cho vay. Điều này một lần nữa lại xảy
ra vào năm 2007. Trong thời kỳ ổn định, những người cho vay có xu hướng đánh giá
thấp các rủi ro của một cuộc khủng hoảng lớn hay đơn giản là để cuộc khủng hoảng
đó cho các nhà quản lý giải quyết. Các nhà quản lý dựa vào các yêu cầu vốn Basel
được đưa ra vào những năm 1980, được thiết kế nhằm giảm rủi ro khi các ngân hàng
không có khả năng trả nợ. Các quy tắc Basel (như đã đề cập trong Chương 3) yêu
cầu các ngân hàng giữ các mức vốn thích hợp với các khoản cho vay, với các mức
vốn khác nhau cho các mức rủi ro cho vay khác nhau. Nhưng chính do yêu cầu dự
trữ vốn cho các khoản cho vay, hệ thống đơn giản khuyến khích các ngân hàng loại
bỏ các khoản vay ra khỏi bảng cân đối kế toán, hoặc bán hết chúng hoặc sử dụng
SIV; những phương thức này đáp ứng các quy tắc nhưng trong rất nhiều trường hợp
hóa ra có một đảm bảo ngầm cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, tập trung vào vốn
nghĩa là tính thanh khoản của các ngân hàng không được quan tâm đúng mức. Một
vấn đề khác với các quy tắc là nguồn vốn cần thiết cho các cho vay thế chấp đã bỏ
qua tỷ lệ LTV (Loan-to-Value - tỷ lệ vay so với giá trị) của thế chấp hay sự tồn tại
của đảm bảo thế chấp. Với các ngân hàng, điều này nghĩa là họ có thể kiếm nhiều
tiền hơn bằng một khoản vốn nhất định thông qua việc tập trung vào các khoản cho
vay thế chấp rủi ro hơn. Quy tắc Basel II được thực hiện vào năm 2008-2009 tại rất
nhiều nước, nhưng cũng bị nghi ngờ rằng liệu các quy tắc này có thể ngăn chặn cuộc
khủng hoảng. Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề điều tiết tại Chương 11.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang mở rộng cửa sổ thanh khoản nhằm đảm bảo cho
các ngân hàng đầu tư sau vụ sụp đổ của Bear Stearns, nguy cơ một ngân hàng nổ
tung do những bất ổn thanh khoản giảm. Nhưng thay vào đó mối quan tâm tập trung
vào khả năng thanh toán (solvency). Liệu các ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất
có thể huy động đủ vốn để bù lại cho những thua lỗ của họ? Khi giá trị trái phiếu và
chứng khoán ưu đãi giảm, các nhà đầu tư rõ ràng cảm thấy bất ổn. Các quỹ đầu tư
quốc gia tại châu Á và Trung Đông, từng cung cấp nguồn vốn mới vào cuối năm
2007, cũng trở nên thận trọng hơn. “Kế hoạch cứu trợ” Freddie và Fannie của chính