trong bất kỳ trường hợp nào, chính phủ cũng đứng sau lưng họ. Ví dụ như vào đầu
thập niên 1990, một số ngân hàng lớn của Mỹ nhìn chung đã được xem là mất khả
năng chi trả, nhưng điều này đã không tạo ra một đợt hoảng loạn. Các ngân hàng đó
được xem là quá lớn nên không thể thất bại được, trong khi cấu trúc kế toán sau đó
đã không yêu cầu họ phải ghi nhận các tài sản xấu miễn là họ còn hoạt động (là vì
người vay vẫn phải trả tiền lãi). Đây cũng là cách mà Nhật Bản đã thực hiện trong
suốt thời gian 1990-1997 mà không có các vụ phá sản lớn. Tuy nhiên, trong thời đại
kế toán “gắn với giá trị thị trường” (mark-to-market accounting) hiện nay, thật không
còn dễ dàng giả vờ rằng khả năng chi trả là một vấn đề dài hạn. Các ngân hàng cần
phải có khả năng chi trả ở mọi thời điểm.
Chính sự lo sợ mất khả năng chi trả đã tạo ra làn sóng thứ tư của cuộc khủng
hoảng ngân hàng năm 2007-2008 vào tháng 9-10/2008. Khi Lehman Brothers phá
sản, người ta lo ngại rằng các định chế to lớn khác cũng sẽ được phép phá sản. Trong
khi đó, sự sụt giảm tiếp theo trên các thị trường chứng khoán, sự tịch thu tài sản trên
thị trường tín dụng và sự tồi tệ của nền kinh tế thế giới chắc chắn đã làm tổn hại các
ngân hàng nhiều hơn. Chính phủ Anh đã đưa ra một sáng kiến toàn diện để điều
chỉnh cơ cấu vốn của các ngân hàng lớn tại Anh. Các quốc gia khác cũng nhanh
chóng làm theo, kể cả Mỹ. Chỉ trong một vài tuần, nỗi sợ hãi phá sản mang tính hệ
thống mới đã lùi xa, mặc dù lòng tin đã bị tổn hại nghiêm trọng . Ngoài ra, chỉ hỗ trợ
các ngân hàng thôi không đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục cho vay sau đó. Điều này đã
dẫn đến điều quan trọng thứ hai phải làm sau một lần bong bóng vỡ, đó là phải duy
trì nguồn cung tiền.
Tuy nhiên, ngay cả các nhà kinh tế học nghi ngờ cách tiếp cận chính sách tiền tệ
tổng quát cũng đã chú ý đến vấn đề này. Nếu nguồn cung tiền bị thu hẹp thì nền kinh
tế cũng vậy. Nhưng mặc dù ngân hàng trung ương có thể đảm bảo rằng các ngân
hàng có nhiều dự trữ và thanh khoản, thì các ngân hàng vẫn có thể không muốn cho
vay và người đi vay có thể không muốn vay, do đó, các biện pháp tiền tệ rộng hơn
(vốn thật sự quan trọng) có thể không được duy trì một cách dễ dàng. Trong phần
lớn giai đoạn từ năm 1960 đến năm 2003, các ngân hàng trung ương có thể giảm
mạnh lãi suất và đẩy nó xuống dưới tỷ lệ lạm phát, đủ để tái kích thích nền kinh tế.
Nhưng với tình trạng lạm phát thấp khắp mọi nơi như hiện nay, việc có được lãi suất
thực âm sẽ không còn dễ dàng trong tương lai.
Chúng ta đã thấy trong Chương 3 cách Nhật Bản đã đấu tranh với vấn đề này vào
cuối thập niên 1990. Cuối cùng, các ngân hàng trung ương có khả năng duy trì lượng
cung tiền, nhưng họ có thể cần phải mua một lượng lớn tài sản. Việc mua trái phiếu