Cách giải thích này tập trung vào những ảnh hưởng do phá sản ngân hàng gây ra
và là cách giải thích được Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Bernanke tin dùng trong
các nghiên cứu học thuật của ông trước khi tham gia vào Cục Dự trữ Liên bang. Về
tổng thể, khoảng 40% các ngân hàng tồn tại vào năm 1929 đã biến mất vào bốn năm
sau, hầu hết là do bị đóng cửa (mặc dù một số đã phục hồi lại sau đó) và hợp nhất.
Các ngân hàng bị ngừng hoạt động chiếm khoảng 15% tổng số tiền gửi trong hệ
thống và tổng số tiền gửi bị thua lỗ lên tới 2% GDP (như vậy toàn bộ vào khoảng
0,5% GDP mỗi năm). Theo quan điểm này, hệ thống ngân hàng suy yếu sẽ không thể
hoặc không sẵn sàng cho vay, thậm chí cả với những người vay đáng tin cậy, chính
vì thế, tín dụng giảm và các cơ hội đầu tư mới không được thực hiện. Lý giải cho
việc tại sao các ngân hàng không sẵn sàng cho vay là bởi vì các ngân hàng đột nhiên
nhìn nhận thế giới một cách thận trọng hơn, do họ đã chứng kiến hàng loạt các
khoản thua lỗ và phá sản trước mắt. Trong bối cảnh giá các tài sản liên tục sụt giảm
và nền kinh tế đang bất ổn lớn, đơn giản là họ không còn tin vào khả năng đánh giá
của chính mình về tính khả thi của một công việc kinh doanh hay một dự án, và
chính vì thế, họ chọn biện pháp an toàn là trên hết. Trong giai đoạn 2000 – 2004, các
ngân hàng rất vững mạnh, có rất ít các vấn đề về thua lỗ phải báo cáo. Lợi nhuận
tăng vọt do khoảng cách giữa lãi suất ngắn hạn thấp và lãi suất dài hạn cao hơn, cũng
như sự xuất hiện của tài chính nhà đất. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác trong thời kỳ
dư chấn sau khi bùng nổ bong bóng nhà ở hiện nay. Những hiểu biết của Bernanke
về cuộc khủng hoảng năm 1930 đã củng cố thêm quyết định của ông khi không để
lĩnh vực tài chính bùng nổ vào thời gian này.
Tám mươi năm sau ngày diễn ra sự kiện đó, các học giả vẫn không thể thống nhất
cách giải thích nào trong ba cách giải thích trên sẽ miêu tả rõ ràng nhất những
nguyên nhân của cuộc Suy thoái. Các tranh luận đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi
vì chúng có ý nghĩa rất lớn cho việc thực hiện chính sách cho các quốc gia trong một
thế giới lạm phát thấp hoặc bằng 0. Nhìn chung, mọi người đều đồng ý rằng các
chính phủ và các ngân hàng trung ương có thể tránh được một nguyên nhân quan
trọng, đó chính là sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng. Và họ nên cố gắng tránh
nguyên nhân thứ hai là tăng trưởng tiền tệ yếu, mặc dù làm cách nào và liệu cách
làm đó có khả thi hay không thì vẫn là đề tài tranh luận lớn, đặc biệt là ở trường hợp
của Nhật Bản mà chúng ta sẽ xem xét sau này. Các chính phủ cũng có thể tránh chế
độ bảo hộ công nghiệp trong nước. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, tất cả ba cách
tiếp cận này đều chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của bong bóng giá tài sản
và những ảnh hưởng mà nó có thể xảy ra.