Thực tế thì vị Chủ tịch Cục dự trữ liên bang lúc đó là Alan Greenspan thậm chí đã
không thừa nhận rằng bong bóng đang xảy ra.
Cuốn sách này cập nhật các sự kiện cho đến cuối năm 2008. Bong bóng được nhìn
từ hai quan điểm: quan điểm của những người quan tâm đến nền kinh tế và quan
điểm của nhà đầu tư. Hầu như tất cả chúng ta đều là những nhà đầu tư trực tiếp hoặc
gián tiếp, thông qua việc mua nhà hay tham gia các quỹ hưu trí. Nhưng tất cả chúng
ta đều phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế và tài chính công, những thứ đang bị
đe dọa nặng nề bởi sự sụp đổ của bong bóng nhà đất. Tôi xem xét kỹ lưỡng những gì
mà những nhà làm chính sách và các nhà đầu tư có thể làm để giới hạn thiệt hại của
các bong bóng, cũng như bảo vệ hệ thống tài chính khỏi những phiền toái có thể xảy
ra. Những người làm chính sách cần quan tâm nhiều hơn đến cả chính sách tiền tệ và
việc điều tiết thị trường tài chính. Ngược lại, các nhà đầu tư cần hiểu thị trường tốt
hơn, cần nhận ra sự tồn tại của các chu kỳ và các bong bóng, từ đó tránh không dính
líu đến những thảm họa này.
Cuốn sách tập trung vào nước Mỹ, bởi những gì xảy ra ở nền kinh tế lớn nhất thế
giới sẽ rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, như chúng ta đã thấy rõ một lần
nữa vào năm 2008. Ngoài ra, cuốn sách cũng viết nhiều về nước Anh, quê hương của
tôi, cũng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng bong bóng nhà đất nặng nề nhất.
Tôi cũng kèm theo những kinh nghiệm và thực tế ở Canada, Úc, Tây Ban Nha, Nhật
Bản và Hong Kong.
Phần giới thiệu mô tả ngắn gọn về cuộc khủng hoảng hiện tại cũng như cách thức
chúng ta rơi vào khủng hoảng thông qua một loạt những bùng nổ và tan vỡ của các
bong bóng. Chương 1 trình bày một giải phẫu về các bong bóng, đưa ra một danh
sách để nhận diện chúng. Hai chương 2 và 3 về cuộc đại suy thoái thập niên 1930 và
khủng hoảng của nước Nhật trong thập niên 1990 trở nên đặc biệt liên quan khi thế
giới đang đối mặt với những rủi ro tương tự trong vài năm tới. Tôi xem xét những lỗi
lầm về chính sách của những năm 1930 và giải thích vì sao mà cuộc suy thoái lần đó
lại nặng nề đến vậy. Trong trường hợp Nhật Bản, tôi quan tâm đến vấn đề giảm phát,
cũng như cách thức mà quốc gia này giải quyết nó. Giảm phát tại Nhật bắt đầu từ
cuối những năm 90 và đến nay vẫn chưa kết thúc. Trong tương lai không xa, Mỹ và
Anh có lẽ cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này.
Chương 4 trình bày một cách chi tiết về việc tại sao các biện pháp để đối phó với
sự sụp đổ của bong bóng chứng khoán trong những năm 2001- 2003, đặc biệt là lãi
suất thấp tại Mỹ, lại làm nảy mầm những hạt giống cho bong bóng nhà đất sau đó.
Nhiều nhà quan sát đã nhận ra sự liên kết này, đó vừa là sự kết tội chính sách tiền tệ