(annuity) thì lãi suất sẽ thấp hơn so với thời kỳ những năm bong bóng chứng khoán
bởi vì lãi suất chung cũng đều giảm. Mọi người phải đứng trước lựa chọn hoặc là
chấp nhận mức sống thấp hơn so với mong đợi hoặc là làm việc lâu hơn.
Ở Anh xuất hiện một vấn đề đặc biệt liên quan đến một loại đầu tư được gọi là
vay thế chấp trợ cấp (endowment mortgage). Về lý thuyết ý tưởng này nghe có vẻ
khá hay và các sản phẩm này được bán rộng rãi vào những năm 1980 và đầu những
năm 1990. Thay vì thanh toán thế chấp hàng tháng theo kiểu thông thường bao gồm
lãi suất và một phần nợ gốc, thì trong sản phẩm này người vay (chủ nhà) chỉ phải trả
lãi suất khoản vay thế chấp, ngoài ra phải đóng góp vào một quỹ đầu tư (phần trợ
cấp – endowment) mà được kỳ vọng là sẽ đủ lớn để thanh toán toàn bộ thế chấp vào
thời điểm đáo hạn, thường là sau 25 năm. Thực ra có rất nhiều người được cho là sẽ
trả thêm các khoản tiền thưởng bằng tiền mặt lớn.
Vấn đề là khi khởi động các khoản đầu tư này thì lạm phát phổ biến ở mức 7-12%
và vì thế hoàn toàn hợp lý khi dự đoán lãi suất đầu tư vào khoảng 10-15% hoặc hơn
thế. Tuy nhiên, kể từ đó lạm phát và lãi suất giảm, nên lợi nhuận đầu tư cũng thấp
hơn nhiều. Bong bóng những năm 1990 đã che khuất vấn đề trong một thời gian bởi
vì lợi nhuận đạt được quá lớn. Nhưng sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ, các
khoản thâm hụt lộ rõ. Ước tính khoảng 75% trợ cấp sẽ không thể thanh toán hết các
khoản thế chấp liên quan, chính vì thế chủ nhà cần nghĩ tới các khoản tiết kiệm khác
hoặc gia hạn các khoản thế chấp của họ. Rất nhiều người cho rằng các sản phẩm này
được bán ra thị trường một cách không hợp lý. Có thể là vậy nếu mọi người không
nhận ra những rủi ro đầu tư liên quan, mặc dù những người nắm giữ trợ cấp không
nhất thiết phải để tuột mất tất cả do họ đã trả lãi suất thấp hơn nhiều so với kỳ vọng
ban đầu. Tuy vậy, do các sản phẩm này đáo hạn trong vòng 10 hoặc hơn 10 năm tới,
một số chủ nhà sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là nếu giá nhà của họ giảm
mạnh.
TỶ LỆ TIẾT KIỆM QUÁ THẤP
Hệ lụy thứ hai của bong bóng thị trường chứng khoán là tỷ lệ tiết kiệm bị sụt
giảm, cả tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình và của toàn bộ đất nước. Tỷ lệ tiết kiệm
hộ gia đình đã trên đà sụt giảm vào đầu những năm 1990 nhưng khi bong bóng
chứng khoán xảy ra, tỷ lệ này còn tuột dốc nhanh và mạnh hơn nữa (xem biểu đồ
4.1).