la/thùng. Không nhận ra được điều đó, tác giả chỉ viện dẫn đến kinh tế học
căn bản khiến toàn bộ giả thiết của bài báo trở nên mất hiệu lực!
Không chỉ có vậy, ông tiếp tục viết:
Giá cao có thể gây ra tác động đáng buồn khác lên các nhà sản xuất.
Khi giá dầu thô là 10 đô-la hay thậm chí 30 đô-la một thùng, nhiên
liệu thay thế sẽ đắt đến mức không mua nổi. Chẳng hạn, Canada có trữ
lượng lớn cát dầu có thể chế xuất thành dầu nặng, nhưng chi phí lại
quá cao. Tuy nhiên, cát dầu và các nguyên liệu thay thế khác, như
ethanol sinh học, tế bào nhiên liệu hydro và nhiên liệu lỏng từ khí đốt
tự nhiên hoặc than đá sẽ trở nên khả thi về mặt kinh tế khi giá một
thùng dầu vượt qua mức, chẳng hạn, từ 40 đô-la trở lên, đặc biệt nếu
các chính phủ tiêu dùng lựa chọn đưa ra chính sách khuyến khích hoặc
trợ giá của riêng mình. Vì vậy, ngay cả trong trường hợp giá cao
không gây ra suy thoái, người Ả-rập Xê-út vẫn gặp phải rủi ro đánh
mất thị phần cho những đối thủ, những nguồn phi chính thống mà
người Mỹ muốn chuyển ngân sách năng lượng của mình vào hơn.
Như tác giả lưu ý, giá cao sẽ dẫn mọi người tới việc phát triển các sản
phẩm thay thế. Đó chính xác là lý do tại sao ngay từ đầu chúng ta không
cần hoảng sợ khi sản lượng dầu đạt đỉnh. Vậy, tại sao tôi lại so sánh sự kiện
sản lượng dầu lên đỉnh với các vụ tấn công của cá mập? Đó là vì các vụ tấn
công của cá mập hầu như luôn diễn ra, nhưng nỗi sợ của công chúng chỉ
dâng mạnh khi truyền thông quyết định viết bài về chúng. Điều tương tự,
tôi cược là, cũng sẽ xảy ra với sản lượng dầu lên đỉnh. Tôi đoán cả loạt báo
chí bắt chước nhau sẽ củng cố nỗi sợ của người tiêu dùng về thảm họa do
dầu khí gây ra, dù cơ bản chẳng có gì thay đổi trong viễn cảnh của ngành
trong mười năm vừa qua.