Rồi cô cũng dừng chân lại. Người cô yêu (hơn là người yêu cô) cả tính
tình lẫn dáng vẻ đều còn rất trẻ con. Tôi gọi Vỹ bằng thằng vì nó bằng tuổi
tôi, nghĩa là thua cô hai tuổi. Sau lưng, cô cũng gọi nó là thằng - thằng Vỹ.
Hẹn, nó không đến, cô chửi: "Đồ khốn nạn!". Nó đến, cô lại ngỏn ngoẻn đi
chơi, không hề dám giận. Mười một giờ đêm cô về, có bữa vui vẻ kể đủ
chuyện, có bữa lặng lẽ lên giường ngủ thẳng. Bố tôi bảo: "Coi chừng!". Bà
tôi chỉ cười. "Nói thì nó làm ngược lại. Thôi kệ!".
4.
Kệ! Cô tôi vẫn đi đi về về cùng Vỹ dù rằng anh "công tử Bạc Liêu"
này đã có một già nhân ngãi, non vợ chồng dưới Long Xuyên. Hằng ngày,
từ Sài Gòn, anh chàng phóng như bay trên cái xe đẹp nhất trường về tỉnh,
mặc kệ điểm danh thực tập, mặc kệ những buổi học giảng đường, mặc kệ
cô tôi ở lại trơ vơ tráo váo. Dăm bữa sau anh chàng lê lại với tiền đầy túi
không rõ từ đâu, với những bộ quần áo thật model. Cô hỏi "Về làm gì?"
"Hết tiền!". "Có gặp Ngân không? Vui không?". "Không, chán rồi! Nó cà
chớn lắm!". Cô tôi tự lừa mình mà vui được ít ngày, để rồi sau đó tự an ủi:
"Nó còn nói thật là còn yêu!". Khi Vỹ nhịn không được, liền kể cho cô
nghe về một căn nhà ở dưới đó, trong một đường hẻm có bán cơm tấm thật
ngon, Ngân và Vỹ nằm dài tán dóc. "Mệt lắm, chẳng muốn tí nào!". Cái câu
than thở này thật chẳng thích hợp tí nào với khuôn mặt rạng rỡ của Vỹ.
Mẹ tôi hỏi: "Sao em có thể chịu đựng được cảnh một gà hai mề thế hả
Xuyên?". Cô ngồi băm thịt như chém vào mặt thớt, cười nhạt: "Nó có phải
chồng em đâu, chơi cho vui vậy thôi. Đi với ai cũng được, ngủ với ai cũng
được, em không quan tâm!". Mẹ tôi lí nhí: "Đừng có đùa, em! Rồi khó dứt
ra lắm!".
Khó dứt thật, cô tôi ngày ấy thật khó trở lại với những quán cà phê
khiêm tốn, với những buổi đi chơi "chay" ít xu. Thế giới sách vở của cô thu
lại bé tí, cô làm những bài thơ tình quanh quẩn chẳng ai thèm đăng, cô viết
những trang nhật ký u uẩn chỉ ba nhân vật: cô, Vỹ, Nhân. Cô không dám đề
nghị một sự chọn lựa thẳng thừng ở Vỹ, sợ rồi Vỹ sẽ thẳng thừng chọn
Ngân khi bị dồn vào chân tường.
5.