mắt... Ông bố hiểu ra, nó thỏa mãn biết bao nhiêu, nó đã căm hờn ông biết
bao lâu...
3.
Bà mẹ không biết gì, chỉ thấy các con mình ít bị la mắng hơn, những
bữa cơm dọn trễ một chút cũng không sao, đứa nào chậm chân ngồi vào trễ
một chút cũng không sao, ông chồng đăm chiêu, thờ ơ và dễ tính... lẫn lộn.
Và nó, nó không sử dụng luôn cái quyền của "giấy thông hành" ấy,
vẫn chưa thằng bạn trai nào được tiếp vào chiều tối, vẫn chưa một buổi đi
chơi nào quá lâu... không phải vì nó còn sợ, chỉ đơn giản là nó chưa quen
được tự do, chỉ thế thôi, chẳng có tí ti đạo đức nào trong việc chậm trễ này
cả. Rồi nằm dài một trưa, nó nghĩ: "Hay thật, mình bây giờ lại còn đạo đức
hơn bố mình! Bây giờ, bây giờ mà đi chơi nhiều, đàn đúm nhiều thì lại hư
bằng nhau. Mình càng nghiêm trang, ông cụ càng hãi, như vậy đã hơn".
4.
Và như thế, hàng ngày, nó quan sát lại mọi việc trong nhà. Nó nhìn bố
nó, ông hiệu phó của một trường cấp III. Lầm lũi với cái cặp đen, gầy gò,
mực thước trong bộ quần áo phẳng phiu đến lớp, nó cười thầm: "Đi giảng
đạo đức đây!".
Nó quan sát mẹ nó say sưa trong cái trò rửa thịt, nhặt rau, nhìn bà mẹ
hồn nhiên giữa mấy đứa con lít nhít, đứa nào cũng giống mẹ, mắt lồi. Nhìn
mấy mẹ con quấn lấy nhau trong góc bếp, nó nghĩ: "Chẳng cần có bố cũng
sống được!". Nhưng khi ngồi vào bàn ăn, nhìn thấy mẹ mình yêu thương và
sợ sệt gắp thức ăn cho chồng, nó tủi thân một cách trẻ con: "À cái đám mắt
lồi chúng mình đây được yêu thương chẳng qua vì chúng mình là sản phẩm
của ông bố này. Mẹ yêu bố gấp đôi tụi mình. Nếu bây giờ có một đám cháy,
cho mẹ cứu một người duy nhất, hẳn là mẹ sẽ cứu bố". Rồi như thật, nó kín
đáo liếc các em nó, liếc những đứa bé sẽ bị bỏ rơi trong đám cháy thử thách
mà nó đã tưởng tượng ra... Rồi bình tâm trở lại, nó nhìn bà mẹ rất đơn giản
ấy mà thương hại: "Thôi giấu đi là vừa, mẹ hiền quá chắc cũng chẳng làm
gì được, và ngây ngô quá, chưa chắc đã khổ, chuyện lớn thành trò đùa, bố
sẽ quen đi và sẽ không ai sợ ai trong cái nhà này cả". Vậy là nó tiếp tục ăn,