Hai người bước lên những bậc thang để lên bờ rồi lại cùng đi về một
hướng. Lúc này Diệp Tri Thu phát hiện họ cùng đường, cùng ở một khu tập
thể, không chừng bố mẹ họ cũng là đồng nghiệp, thậm chí họ có thể chung
một số bạn bè.
Phạm An Dân sau khi tốt nghiệp đại học thì về bên này, anh ta học
ngành Cơ điện, được nhận vào làm ở một công ty có vốn đầu tư nước
ngoài. Đầu tiên anh là nhân viên kỹ thuật, ngày ngày đi phà qua lại giữa hai
bên bờ sông. Hai người thường xuyên gặp nhau trên phà, dần dần quen biết
rồi trở nên thân thiết. Diệp Tri Thu nói cô không muốn tâm sự với mẹ về
những khó khăn trong công việc của mình. Về điểm này, Phạm An Dân có
thể hiểu và dùng cách nói chuyện dí dỏm để cô phấn chấn mà giải tỏa phiền
muộn.
Tâm trạng của cô dần dần thoải mái hơn, không ngần ngại phát huy tài
năng của mình, từ việc bố trí các cửa hàng, cách trưng bày sản phẩm để ông
chủ hài lòng. Cuối cùng cô cũng ký được hợp đồng chính thức.
Trên một chuyến phà, cô đã thông báo tin vui đó cho Phạm An Dân,
anh ta cũng chân thành chia vui cùng cô.
Đến lúc hai người yêu nhau, mọi chuyện đều diễn ra êm đẹp.
Cô không thể quên được quãng thời gian hai người hạnh phúc bên
nhau. Thời gian đi làm của Phạm An Dân rất ổn định, ngày nào anh cũng
chờ cô ở bến phà rồi hai người cùng đi về. Đến mùa đông, khi gió trên phà
thổi lạnh buốt sống lưng, Phạm An Dân còn mở rộng áo khoác để cô đứng
sát lại, lấy thân mình chắn gió cho cô.
Khi được nghỉ, họ cùng đi chơi, có lúc cô còn mang theo cả đồ nghề
vẽ, anh nói anh thích được thấy vẻ chuyên tâm khi cô vẽ. Mỗi khi cô bất
giác quay đầu lại, anh đều cảm nhận được ánh mắt chất chứa yêu thương
của cô.