Hoàn toàn ngạc nhiên bởi cách nói lạ lùng đó. Khuôn mặt bà ta đầy vẻ
phúc hậu. Đôi mắt to đen và biết cười thầm, nhưng cười thầm được thì
cũng khóc thầm được. Điều đó giải thích vì sao sau này bà ta hay khóc
thầm. Tuổi thì có lẽ bằng tuổi mẹ Kiêu trước đây, đàn bà ở phố thường trẻ
hơn đàn bà ở quê, với những suy đoán của cậu, cộng với sự kính trọng đối
với người trên, Kiêu gọi người đó là “cô” và xưng “cháu”. Coi như là hợp
tình hợp lý.
Dầu vậy, cậu cũng cảm thấy hơi lạnh trườn dọc sống lưng, ngoài cơn
đau ghê gớm đang đồng hành trên khắp cơ thể. Đã mất hết niềm tin ở con
người, rằng trên đời chẳng còn lòng tốt. Cho nên cậu nghĩ rằng mình nên đề
phòng. Con nhím vẫn thường xù lông gai trước mỗi nguy hiểm. Người đàn
bà này với cậu có quan hệ gì đâu. Cậu sẽ chẳng có gì để bà lợi dụng, chỉ là
một cái xác đầy vết thương, vậy thì cứu cậu có ích lợi gì, hay bà sẽ chờ đợi
cậu qua giai đoạn này, rồi mới tính đến chuyện lợi dụng? Hoặc là bà ta đã
tính toán trước chuyện lợi dụng, khi cúi xuống cứu cậu. Vậy là miệng buột
ra: “Tôi thì có lợi gì cho bà?”. Cách xưng hô lạnh lùng này, cả sự chuyển
đột ngột khiến người đàn bà thoáng chút ngỡ ngàng. Sao thế cậu bé, bà hỏi.
Cậu có lợi gì cho tôi ư? Cậu nghĩ là cậu thì có lợi đối với một người đã
chẳng cần gì nữa ư. Ngay cả với người khác, cậu có lợi gì. Chả có gì cả,
cậu đừng buồn, nhưng đừng tự cao. Ta bảo thật, cậu quá đáng thương, mà
ta không thể hờ hững trước một người đáng thương. Thôi, không nói nhiều,
tắcxi đến rồi. Để tôi đỡ cậu ra xe...
Những lời của bà khiến lòng Kiêu ấm lại, thân thể vơi bớt nhức nhối.
Cậu thực sự thấy hối hận về mấy lời vừa rồi. Bà xốc cậu ra xe, dứt khoát và
mạnh mẽ. Cậu chẳng ngờ bà lại có sức khỏe như vậy, giống như vận động
viên cử tạ xách một con gà mái. Cậu nhanh chóng được đưa ra xe, cảm giác
ân cần bởi sự chăm lo của một người mẹ. Trong thâm tâm, cậu muốn gọi bà
là mẹ quá chừng. Người mẹ đã cứu con.