mình đang cần chia sẻ. Kiêu khác. Kiêu cần phải là Kiêu. Thế nên đã không
có giọt nước mắt nào chảy ra.
Bên cạnh câu hỏi là bàn tay bà đưa miếng cam vừa gọt vào tay kia để
Kiêu chỉ việc cho vào miệng. Chi tiết này làm cậu nhớ lại hình ảnh ngày
trước bà ngoại chăm sóc cậu. Cuộc đời của bà chỉ có bấy nhiêu, những thứ
nhỏ nhoi bình dị, một góc vườn với cây táo cây ổi, quả bầu quả bí, canh cua
cá đồng. Bàn tay sần chai sạm nắng của bà đã hái ổi và đưa vào tay cậu thế
nào. Cậu lớn lên được nhờ bàn tay đó, sự cần mẫn của người bà già nua.
Bằng tình yêu thương như cây lá ngoài đời.
“Cháu xin”, cậu nói và đỡ lấy miếng cam. Chưa đưa vào miệng vội.
Cậu nhìn nó một cách kỹ lưỡng, không phải tìm xem trên đó có bám bụi
hay không mà tỏ ý trân trọng rằng trên đó đậu biết bao nhiêu tình. Cũng là
để biết ơn. Sau đó nó được đưa vào miệng ngon lành. Bà Hát lại giục:
“Cháu nói đi nào, nói về những chuyện vừa xảy ra cho cô nghe đi."
- Cháu sẽ kể cho cô kỹ khi cháu khỏe lại. Còn giờ, cháu xin thưa với
cô sơ qua thôi ạ. Cháu có một ông bố tuyệt vời nhưng đã chết, là một chiến
sĩ công an dũng cảm. Bọn tội phạm gian ác đã giết chết bố, sau đó gia đình
tan tác, mẹ mất tích, rồi bà ngoại cũng mất vì bệnh tật và già yếu. Bà ngoại
nuôi nấng cháu lớn lên, cho học hết cấp III. Đó là một kỳ tích chưa bao giờ
cháu có thể tưởng tượng nổi. Bà nghèo lắm, nhưng nghị lực. Cả đời này
cháu biết ơn bà. Cô biết không, cháu lớn rồi mà chẳng làm gì để có thuốc
chữa trị cho bà. Nếu có thuốc, nếu cháu có điều kiện, bà đã sống thêm được
nhiều năm nữa. Cứ coi như cháu đã giết bà rồi. Chính cháu, vì lo lắng cho
cháu mà bà ốm nặng dần mỗi ngày. Cháu là thằng không ra gì...
Bà Hát nghe xong lắc đầu, bà nghĩ, tướng mày thì biết là đã trải qua
nhiều khổ ải rồi. Nhìn Kiêu một lượt từ đầu đến chân, rồi dừng lại lâu hơn
ở khuôn mặt. Bà nói cậu cứ ở lại đây tĩnh dưỡng, chữa trị cho khỏi hẳn, rồi
sẽ tính tiếp. “Cháu thấy đấy, cô chỉ có một mình nên cứ yên tâm, đừng ngại
gì cả”. “Vâng ạ!”. Kiêu kéo dài âm “ạ”, cậu như được mở cờ trong bụng.