“Đằng nhà gái muốn tiffin. Họ đến ăn sáng từ sáu rưỡi,” ông ta nói.
Bác Rajji bước tới chỗ tôi. “Hối lộ cho lão ta đi,” ông thì thào.
Tôi nghĩ không hiểu luân thường đạo lý ở đâu khi phải hối lộ ở chính đám
cưới của mình mới được ăn.
“Được thôi, giờ tôi đi đây, tôi đang bận,” người đầu bếp nói và tự lẩm
bẩm, “pundai maganey, thaayoli koodhi.”
“Anna, đợi đã,” tôi nói.
Người đầu bếp nhìn tôi kinh ngạc như muốn hỏi: Làm sao một người
nặng giọng Delhi lại có thể thốt ra một hai từ Tamil như thế?
Tôi giữ tờ một trăm rupi trong tay mình và bắt tay với ông ta. Bối rối, ông
ta kiểm tra lại đồng tiền.
“Chúng tôi chia sẻ cho ông hạnh phúc của chúng tôi,” ông bác tôi nói.
“Tôi có thể làm nhanh món upma,” người đầu bếp nói.
“Upma là gì?” bác tôi hỏi.
“Là halwa mặn.”
“Không, không, đừng làm upma. Ông có thể làm dosa không?” tôi nói.
“Làm dosa từng chiếc từng chiếc một thì chúng tôi không có người. Thế
thì bữa trưa cũng sẽ bị muộn,” người đầu bếp rên rỉ.
Cuối cùng chúng tôi chốt lại bằng idli. Sẽ không có sambhar. Dù vậy,
người đầu bếp có một thùng đầy chutney dừa, đủ để rải đường.
Mọi người ngồi ở phòng ăn, những người phục vụ đặt những chiếc lá
chuối trước mặt chúng tôi.
“Chúng ta phải ăn lá sao?” bác Shipra nói, “Chúng ta là gì vậy? Bò à?”
“Đó là đĩa ăn,” tôi nói, “và không có thìa nĩa đâu ạ.”
“Họ hầu như không phải chi tiêu gì cho đám cưới đâu nhỉ, may thế chứ,”
bác Kamla nói.
Bốn mươi người chúng tôi ăn ít nhất hai trăm cái idli.