người tiền nhiệm, tất cả các giáo hữu đều hét lên, ‘Hãy để cha ấy làm
Trưởng giáo.' Và vậy là ông lập thệ. ‘Con xin nguyền dâng hiến mình cho
Chúa toàn năng và Đức mẹ Đồng trinh vì đã cứu rỗi linh hồn con và nhờ
vậy mà con được ở trong cuộc đời thánh thiện tất cả các ngày cho đến hơi
thở cuối cùng.' Giám quản cũng đã lập lời nguyền tương tự.
Ông cho phép những ý nghĩ của mình quay lại với Khởi đầu của Dòng -
những tiếng hét xung trận, tiếng rên rỉ của các giáo hữu bị thương và hấp
hối, tiếng khóc sụt sùi khi chôn cất những người không sống qua được cuộc
giao tranh. Đó đã từng là cách thức tồn tại của các Hiệp sĩ Đền thờ. Là
người đầu tiên xung phong, là người cuối cùng rời đi. Raymond De
Roquefort thương tiếc quãng thời gian đó. Nhưng tại sao? Sự phù phiếm đó
đã được chứng tỏ khi Nhà thờ và Nhà nước động đến các Hiệp sĩ Đền thờ
vào thời kỳ Thanh Trừng, không chút kiêng nể gì đến hai trăm năm tận lực
phục vụ của họ. Các giáo hữu bị thiêu sống, những người khác bị tra tấn và
chịu những thương tật suốt đời, và tất cả chỉ bởi vì một sự hám danh. Với
thế giới hiện đại, các Hiệp sĩ Đền thờ là huyền thoại. Một ký ức đã xa xôi.
Không ai thèm quan tâm đến việc họ còn tồn tại, thế nên việc điều chỉnh
một sự bất công có vẻ thật là vô phương hy vọng.
Người chết thì phải chết thôi.
Ông lại nhìn ra xung quanh vào những tảng đá, rồi từ biệt các giáo hữu.
Trừ một người. Trợ tá của ông. Ông cần nói chuyện riêng với anh. Chàng
trai trẻ tiến lại gần.
“Nói cho ta, Geoffrey,” Giám quản nói. “Anh và Trưởng giáo đã bàn
chuyện gì?”
Đôi mắt đen của người đàn ông tỏ rõ sự ngạc nhiên. “Cha muốn nói gì?”
“Gần đây Trưởng giáo có yêu cầu anh làm việc gì không? Nào, đừng nói
dối ta. Ông ấy đã mất, còn ta thì còn ở đây.” Ông nghĩ việc sử dụng cấp bậc
có thể sẽ làm việc tìm hiểu sự thật trở nên dễ dàng hơn.
“Có, thưa Giám quản. Con đã gửi hộ Trưởng giáo hai cái gói.”
“Nói cho ta về cái đầu tiên.”
“Dày và nặng, giống như một quyển sách. Con đã gửi nó đi khi ở
Avignon, khoảng một tháng trước đây.”