5. TÁC GIẢ TRUYỆN CỔ TÍCH
Trước tiên chúng ta sẽ nói đến những phần tử trí thức tức là hạng nho sĩ hay
tăng lữ. Bọn họ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau và có những khuynh hướng
tư tưởng khác nhau.
Có hạng có vai vế trong xã hội: hoặc chịu tước lộc của triều đình, hoặc làm
môn khách, gia thần cho quý tộc địa chủ ở một địa phương nào đó. Họ am
hiểu tường tận tâm lý, tính cách tầng lớp thống trị cũng như có vốn kiến
thức đáng kể về cuộc sống "hậu trường" sâu kín của tầng lớp này. Chính vì
thế, họ sáng tác khá nhiều những truyện xung quanh một ông vua, một ông
quan, một thổ hào, một ông sư, hoặc những truyện về thi cử đỗ đạt, về
phong thủy, bói toán, cúng dàng, v.v... có khi khá ly kỳ huyền ảo. Nào
truyện Gia Long khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi đã gặp những cái may gì
mà thoát nạn; truyện mả tổ nhà Trần đã "kết" như thế nào để từ một dòng
họ đánh cá ở Tức-mặc mà trở nên đế vương, rồi vì sao cũng dòng họ ấy về
sau lại trở nên suy đồi, cái ngai vàng lại về tay người khác; truyện Nguyễn
Trật nhờ thần giúp đỡ ra sao để cho một kẻ học dốt như ông cũng có tên
trên bảng tiến sĩ; truyện mười tám ông sư vì sao đã đâm đầu một lượt
xuống nước để trở thành Phật La hán, v.v... Họ còn đứng trên quan điểm
chính thống để sưu tập và chỉnh lý truyện cổ dân gian. Những truyện của
họ nhìn chung thường mang dấu ấn khá nặng của chủ nghĩa định mệnh, chủ
nghĩa sùng bái cá nhân... Chúng góp phần tuyên truyền cho chế độ quân
chủ hay cho tôn giáo yếm thế. Tuy vậy, nhiều truyện cũng hé ra không ít
những ý nghĩa tích cực về cuộc sống, mặc dầu có thể ý nghĩa đó đã trở
thành kinh điển. Nhất là những truyện của các tác giả sống tương đối gần