vì tâm lý, quan điểm và tư tưởng thẩm mỹ của người ghi đã khác xa so với
thời điểm ra đời của câu chuyện.
c) Do chỗ có vài truyện trong sách chịu ảnh hưởng của truyện Trung-quốc,
Ấn-độ, Cham-pa, hoặc một vài chi tiết, hoặc toàn phần như Việt tỉnh, Hồ
tôn tỉnh, Mị Ê, Hậu Tắc, v.v... ta có thể đoán rằng trong những truyện của
nước ngoài từ lâu du nhập vào Việt-nam, có những truyện đã dần dần nhập
tịch vào đời sống của truyện cổ dân tộc, phá phách hoặc chuyển hóa toàn
bộ thành truyện Việt.
Thế kỷ thứ XVI có Nguyễn Dữ viết bộ Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện.
Nên phân biệt trong đó hai loại: một loại truyện sưu tầm từ truyền thuyết và
cổ tích lưu hành trong dân chúng, như truyện Liệt nữ Nam-xương, truyện
Từ Thức, v.v... một loại truyện do chính Nguyễn Dữ sáng tác như truyện
Nàng Tuý Tiêu, truyện Kỳ ngộ ở trại Tây,v.v... Ở phần này tác giả có chịu
ảnh hưởng ít hay nhiều của truyện truyền kỳ Trung-quốc, nhất là sách Tiễn
đăng tân thoại của Cồ Tông Cát. Những truyện cổ tích qua bàn tay tài hoa
của Nguyễn Dữ trở nên thú vị, phảng phất như truyện ma trong Liêu trai,
có khả năng thu hút người đọc khá mạnh.
Một bộ khác gồm hai quyển, tương truyền của Lê Thánh Tông, nhan đề là
Thánh Tông di thảo. Đây là tác phẩm chưa mấy người biết, có thể ngờ
không phải của vua Lê viết, nhưng cũng chưa hẳn như thế. Chúng tôi sẽ có
dịp nói đến bộ sách này. Dầu sao thì nội dung của nó vẫn là những truyện
của người Việt. Cũng như Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo có hai
loại truyện. Trong số những truyền thuyết cổ tích dân gian có nhiều truyện