rất hấp dẫn như các truyện Lấy chồng dê, Tinh con chuột, Hoa quốc kỳ
duyên, v.v... mà chúng tôi sẽ lựa chọn kể ở phần thứ hai.
Các nhà văn phong kiến vẫn tiếp tục sưu tầm truyền thuyết và cổ tích dân
gian. Sau này, hai quyển Lĩnh-nam chích quái và Việt điện u linh còn được
nhiều nhà nho đời Lê nhuận sắc, bổ sung và đính chính; lại sưu tầm những
truyện khác thêm vào cuối sách. Gần 200 năm sau Nguyễn Dữ, Đoàn Thị
Điểm viết Tục truyền kỳ[4], nghĩa là nối vào sách Truyền kỳ mạn lục. Tác
giả nhặt nhạnh được 6 truyện, trong đó có cả truyện ngụ ngôn. Quyển này
với quyển của Nguyễn Dữ và quyển Thánh Tông di thảo đều cho ta thấy rõ
cái sức sống, cái khả năng chinh phục mọi đối tượng của văn học truyền
miệng dân gian, biểu hiện ở xu hướng tìm về truyền thuyết dân tộc của khá
nhiều nho sĩ, nó tạo nên sự phối hợp giữa thể truyện dân gian và văn học
chữ Hán, mở đầu một loại văn tiểu thuyết mới trên văn đàn. Tuy nhiên, nó
vẫn không được đẩy lên thành một tư trào sáng tác lớn mạnh.
Vào khoảng cuối Lê đầu Nguyễn có nhiều sách vở xuất hiện, trong đó có
loại truyện ký bằng Hán văn. Loại sách này có ghi chép ít hay nhiều những
truyền thuyết cổ tích lưu hành trong dân gian. Có thể đếm được những
quyển như Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Tuyền văn tân lục của
Nguyễn Diễn Trai, Lan Trì kiến văn lục của Vũ Nguyên Hanh (tức Vũ
Trinh), Sơn cư tạp thuật của Bùi Huy Bích (?), Tang thương ngẫu lục của
Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tân truyền kỳ lục của Phạm Quý Thích,
Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng, Bản quốc dị văn lục, Thính văn
dị lục, Đại Nam kỳ truyện, Dãsử... đều không biết tên người làm, v.v...